Sẵn sàng cho lao động xuất cảnh

Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đưa lao động ra nước ngoài sau khi một số quốc gia tiếp nhận lao động mở cửa trở lại

“Sau hơn một năm chờ đợi mỏi mòn thì cuối cùng tôi cũng sắp được bay sang Nhật rồi. Đây là niềm vui lớn nhất trong năm mới Nhâm Dần của tôi”. Chị Lâm Thị Bích (23 tuổi, quê Sóc Trăng) tâm sự, sau khi nhận được thông tin Nhật Bản chính thức mở của đón lao động nước ngoài.

Mở cửa đón lao động

Với mong muốn học hỏi và trải nghiệm làm việc ở đất nước mặt trời mọc, hơn 1 năm qua, chị Bích đã học tiếng Nhật và phỏng vấn đậu đơn chế biến thực phẩm tại tỉnh Aichi (Nhật Bản) với hợp đồng 3 năm. Do chính sách hạn chế nhập cảnh để phòng dịch Covid-19, chị thấp thỏm lo suốt một thời gian dài, nay mới được giải tỏa.

Niềm vui của chị Bích cũng là niềm vui của các doanh nghiệp dịch vụ (DNDV), của hàng vạn người lao động (NLĐ) có nhu cầu ra nước ngoài làm việc sau một thời gian dài chịu đựng dịch bệnh.

Hôm nay (15-2), Đài Loan (Trung Quốc) – thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong năm 2021 – chính thức mở cửa đón lao động từ các nước Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia đến làm việc. Đây là thông tin được nhiều lao động Việt Nam có nhu cầu sang Đài Loan làm việc cũng như các DNDV cung ứng lao động cho Đài Loan mong ngóng từ lâu. Theo Cơ quan Lao động Đài Loan (MOL), NLĐ phải tiêm đủ liều vắc-xin và xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh vào lãnh thổ này. Khi lao động nước ngoài nhập cảnh, chủ doanh nghiệp – nơi sử dụng lao động nước ngoài phải bố trí cho NLĐ của mình cách ly theo quy định trong khách sạn. Hoàn thành 14 ngày cách ly, lao động nước ngoài tiếp tục ở lại khách sạn để tự theo dõi sức khỏe 7 ngày trước khi tới nơi làm việc. Được biết, hiện nay lao động Việt Nam trước khi nhập cảnh Đài Loan đã được chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm Covid-19 với thời hạn 30 ngày kể từ khi nhập cảnh và mức bồi thường cho hình thức bảo hiểm này là 500.000 Đài tệ (khoảng hơn 400 triệu đồng).

Nhật Bản – một trong hai thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong vài năm gần đây – cũng vừa tuyên bố nới lỏng chính sách nhập cảnh cho NLĐ nước ngoài ngay trong tháng 3 này sau một thời gian dài siết chặt để phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, kể từ ngày 1-3, Nhật Bản sẽ gỡ bỏ lệnh cấm cho tất cả các loại visa khác nhập cảnh, bao gồm cả các visa như thực tập sinh, du học sinh lần đầu nhập cảnh. Giai đoạn này, số lượng nhập cảnh được giới hạn khoảng 5.000 người/ngày. Các đối tượng ưu tiên xét nhập cảnh trong giai đoạn này là nhà nghiên cứu, kỹ sư và NLĐ mang lại “lợi ích cho cộng đồng”. Chính phủ Nhật sẽ xem xét rút ngắn thời gian cách ly khi đến nơi xuống còn 3 ngày hoặc ít hơn 7 ngày. Để đủ điều kiện nhập cảnh Nhật Bản, NLĐ phải tiêm đủ liều vắc-xin theo quy định và thực hiện các xét nghiệm Covid-19. Ngay khi nhập cảnh vào Nhật Bản, NLĐ cần tiêm thêm một liều vắc-xin tăng cường và xét nghiệm tiếp để bảo đảm an toàn trước Covid-19. Chính phủ Nhật cũng có kế hoạch đơn giản hóa các thủ tục cũng như quy trình khám sàng lọc.

Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Sau khi có thông báo chính thức về việc tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc tại Đài Loan theo “Phương án nhập cảnh dành cho lao động nước ngoài nhằm bảo đảm kiểm soát biên giới trong bối cảnh ứng phó dịch bệnh Covid-19”, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) ban hành công văn để thông tin và hướng dẫn DNDV đưa lao động sang Đài Loan thực hiện ngay một số nội dung.

Cụ thể, DNDV cần phối hợp với bên tiếp nhận lao động để sắp xếp cho NLĐ xuất cảnh; DNDV cần có bảng kiểm tra kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 được Dolab xác nhận khi làm visa cho NLĐ. Bảng kiểm tra thể hiện các nội dung DNDV cam kết thực hiện theo phương án của Đài Loan. Nếu thực hiện không đúng sẽ bị tạm dừng tiếp nhận lao động.

“Theo yêu cầu của phía Đài Loan, NLĐ phải được cách ly một người một phòng sau khi xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 trước khi lên máy bay, giấy xét nghiệm PCR chỉ có hiệu lực trong 48 giờ. Do vậy các DNDV có thể sắp xếp thời gian hợp lý từ khi có kết quả xét nghiệm âm tính tới thời điểm NLĐ ra sân bay, để thời gian cách ly NLĐ là ngắn nhất và bảo đảm giấy xét nghiệm còn hiệu lực khi nhập cảnh Đài Loan” – công văn nêu rõ.

Vui mừng trước thông tin nới lỏng nhập cảnh từ Chính phủ Nhật Bản, ông Trần Văn Khánh, Trưởng Bộ Phận phát triển nguồn nhân lực Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết tất cả đã sẵn sàng cho NLĐ xuất cảnh. Theo ông Khánh, nỗ lực phòng chống dịch của Việt Nam và Nhật Bản đều phát huy được hiệu quả cao nên việc mở cửa biên giới là tất yếu trong bối cảnh phục hồi kinh tế song hành với phòng chống dịch. “Hai năm dịch bệnh và đóng cửa biên giới khiến lĩnh vực xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn nhất định. Lượng ứng viên của chúng tôi đã được nhà tuyển dụng chọn rất nhiều nhưng không thể xuất cảnh nên suốt trong thời gian vừa qua, Công ty TNHH Esuhai đã nỗ lực giữ chân NLĐ bằng cách giới thiệu việc làm tạm thời, củng cố thêm kiến thức, rèn luyện tiếng Nhật… Tất cả NLĐ của chúng tôi cũng đã tiêm đủ liều vắc-xin theo quy định. Bây giờ, tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ các chuyến bay thương mại được nối lại” – ông Khánh phấn khởi. 

Hàn Quốc: Công bố chính sách mới tiếp nhận lao động

Mới đây, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc đã công bố một số chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài trong năm 2022. Theo đó, tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS) trong năm 2022 là 59.000 người, tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021. Về chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài, trong năm 2022, Hàn Quốc bổ sung đối tượng chuyển đổi sang visa lao động phổ thông E-9. Theo đó, du học sinh visa D-2 sau khi tốt nghiệp được phép chuyển đổi sang visa E-9 và làm việc lâu dài tại Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng đồng ý cho phép lao động nước ngoài theo visa E-9 được tự động gia hạn thời gian cư trú thêm 1 năm khi đến thời điểm kết thúc hợp đồng (hợp đồng 3 năm hoặc hợp đồng 4 năm 10 tháng) trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến 12-4-2022.

Theo Giang Nam/NLD

TIN LIÊN QUAN