Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có mức thu nhập cao hơn nhiều so với cùng công việc ở trong nước, đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ trong nước. Thế nhưng, việc chênh lệch mức lương trong và ngoài nước chính là một trong những lý do khiến sau khi trở về, NLĐ di cư khó hòa nhập với thị trường lao động trong nước.
Đi lao động nước ngoài lương cao
Mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Quỹ châu Á (TAF) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu quốc gia của Việt Nam về Tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư về nước trong khu vực ASEAN. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, thời gian qua, công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…Bên cạnh đó, nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani… Số lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm. Đặc biệt, giai đoạn từ 2013 đến 2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống NLĐ và gia đình. Lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Do vậy, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Kết quả Báo cáo quốc gia của Việt Nam về Tái hòa nhập thị trường lao động cho NLĐ di cư được chia sẻ tại hội thảo cũng chỉ ra rằng, xét về kỹ năng của NLĐ sau khi hồi hương, phần lớn NLĐ được công nhận là đã quay trở lại Việt Nam với trình độ cao hơn về kỹ năng và tính chuyên nghiệp cũng như trình độ ngoại ngữ. Lao động di cư quay trở về có một số lợi thế so với những lao động khác, đặc biệt là về các kỹ năng mềm, bao gồm kinh nghiệm làm việc quốc tế của NLĐ, “phong cách làm việc công nghiệp” và “kỷ luật làm việc tốt”, sở hữu cả hai yếu tố ý thức “làm việc nhóm” cũng như khả năng làm việc cá nhân, tính kỷ luật và “khả năng chịu áp lực công việc”, trình độ ngoại ngữ và hiểu biết về truyền thống và phong tục của đất nước mà họ đã làm việc.
Về nước lương thấp, khó giữ chân lao động tay nghề cao
Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc làm cho lao động di cư về nước được chuyên gia trình bày tại Hội thảo cho thấy, nhìn chung, tiền lương của người di cư và các trợ cấp khác kiếm được ở nước ngoài cao hơn đáng kể so với mức lương trung bình trong nước. Cụ thể, theo Báo cáo, người di cư Việt Nam có thể kiếm được mức lương cao hơn ít nhất hai hoặc ba lần so với những người ở quê nhà. Mặc dù vậy, NLĐ vẫn gặp những khó khăn khi tái hòa nhập vào thị trường lao động sau khi về nước.
Một trong số những thách thức phổ biến nhất là người sử dụng lao động, NLĐ di cư, đặc biệt là lao động trẻ luôn gặp khó khăn đó là việc chấp nhận mức lương thấp hơn được đưa ra trên thị trường lao động Việt Nam, những công việc được coi là có nhiệm vụ và vai trò tương tự hoặc tương đương họ đã thực hiện ở nước ngoài, ngay cả đối với cùng một công ty mẹ. Vấn đề khác là NLĐ di cư quay trở về gặp phải là sự không phù hợp về kỹ năng giữa những gì họ có và những gì doanh nghiệp cần, dẫn đến khó khăn cho cả NLĐ và người sử dụng lao động.
Cụ thể, đối với NLĐ là trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp trong nước, còn đối với với người sử dụng lao động là khi cần tuyển người vào các vị trí tuyển dụng khẩn cấp. Ở một khía cạnh nào đó, kỹ năng kỹ thuật của NLĐ có thể cao nhưng không cần thiết đối với nhu cầu lao động của doanh nghiệp tuyển dụng, buộc NLĐ phải chấp nhận một vị trí có kỹ năng thấp khiến họ không thể áp dụng các kỹ năng và kiến thức của họ, do đó, không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của họ. Ngược lại, chất lượng kỹ năng của NLĐ có thể quá thấp, đặc biệt về kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng quản lý, khiến họ không phù hợp để được tuyển làm phiên dịch hoặc làm ở cấp quản lý mà họ mong muốn. Trong cả hai trường hợp, điều này có thể dẫn đến sự không hài lòng về công việc, góp phần vào quan điểm cho rằng những người di cư quay trở về là những lựa chọn tuyển dụng rủi ro.
Bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư, tại Hội thảo, bà Katherine Loh – Tư vấn quốc tế nêu ý kiến: “Lao động di cư quay về cần được hỗ trợ an sinh. Nếu được hỗ trợ, khi trở về thì những NLĐ này sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội bằng những kinh nghiệm họ có được trong thời gian làm việc ở nước ngoài”. Trước thực tế tái hòa nhập của lao động di cư ở Việt Nam thời gian qua khi trở về vẫn còn nhiều thách thức, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có những trao đổi và đưa ra những khuyến nghị, qua đó để hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài quay trở về một cách hiệu quả cũng như kết nối giữa thị trường việc làm trong nước và khu vực.