Đó là chuyện về 3 hộ dân tự chi kinh phí hơn 300 triệu đồng để xây dựng lối đường làng rộng đẹp, kiên cố ở ở thôn 5, xã Thanh Lâm (Thanh Chương).
CÔNG TRÌNH “ĐỂ ĐỜI”
Con đường bê tông còn sáng màu xi măng mới hoàn thành, dẫn qua khe nước rồi chia làm 3 lối dẫn đến các gia đình: Ông Trần Hữu Thịnh, anh Nguyễn Văn Sơn và chị Nguyễn Thị Hợi ở trên một triền đồi tại thôn 5, xã Thanh Lâm (Thanh Chương) như tô vẽ cho bức tranh thôn quê nơi đây thêm nổi bật. Để hoàn thành tuyến đường bê tông dài hơn 200m, 3 gia đình đã bàn bạc, thống nhất, mỗi hộ góp hơn 100 triệu đồng để xây dựng.
Đoạn đường bê tông rộng đẹp hoàn thành trong tháng 11/2022, đem đến niềm phấn khởi cho tất cả các thành viên của 3 gia đình và các bà con thôn xóm. Cũng chính vì thế, trong đợt đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, 3 hộ dân ở tách biệt trên triền đồi thôn 5, xã Thanh Lâm đã đón rất nhiều người dân và cán bộ xã, huyện đến thăm, chúc mừng.
Câu chuyện 3 hộ dân miền núi “tự lực cánh sinh”, chung xây một con đường bê tông rộng, đã lan tỏa khắp huyện Thanh Chương. “Nghe tin”, sau Tết Nguyên đán, bà Lê Thị Hồng Thiết – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Chương cùng một số cán bộ huyện và xã Thanh Lâm về thăm các hộ dân và tham quan tuyến đường mới. Bà Lê Thị Hồng Thiết đã thốt lên “Đúng là ngoài sức tưởng tượng! Kinh tế họ chưa khá giả, nhưng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để làm đường, có hộ còn phải đi vay nợ để góp làm đường. 3 hộ đã làm nên công trình để đời và minh chứng cho tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân ta”.
Còn ông Đinh Văn Bình – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm chia sẻ thêm: Xã Thanh Lâm là địa bàn miền núi, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng chỉ sản xuất được 2 vụ trong năm. Thế nên, cuộc sống của rất nhiều hộ dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Gần đây, có hàng trăm con em địa phương đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động ở các nước đã gửi tiền về hỗ trợ gia đình, cũng như đóng góp xây dựng nông thôn mới. Điển hình như 3 gia đình: Ông Trần Hữu Thịnh, anh Nguyễn Văn Sơn và chị Nguyễn Thị Hợi đều có con đi xuất khẩu lao động. Mặc dù con em họ mới đi 1 – 2 năm, số tiền gửi về chưa nhiều, nhưng họ đã quyết tâm dành tiền làm việc lớn là xây dựng đường bê tông vào từng hộ.
3 hộ tự bàn bạc, xây cống kiên cố, mở rộng nền đường và mua nguyên vật liệu, thuê máy móc, huy động nhân lực để đổ bê tông tuyến đường. Kinh phí xã eo hẹp và cũng đang dành cho nhiều hạng mục xây dựng nông thôn mới, nên không có kinh phí để hỗ trợ 3 gia đình nêu trên. Trước đó, 3 hộ đã rất tích cực đóng góp, bình quân mỗi hộ trên 10 triệu đồng để cùng nhân dân thôn 5 đổ bê tông các tuyến đường liên thôn…
CHUNG SỨC VÌ MỘT CON ĐƯỜNG, CÙNG MỘT LỐI ĐI
Hôm phóng viên Báo Nghệ An cùng cán bộ huyện, xã đến tham quan công trình “để đời” của 3 gia đình nêu trên, ông Trần Hữu Thịnh phấn khởi nói: “Chúng tôi hợp sức làm đường bê tông rộng đẹp để đi lại thuận lợi hơn. Chứ trước đây, hễ trời mưa nhỏ là trơn trượt, đi lại rất khó khăn. Với lại, đường thôn xóm phía trước đã được đổ bê tông, mình phải kết nối để cuộc sống đỡ vất vả. Nhưng điều quan trọng hơn cả là 3 hộ đồng thuận, quyết tâm cao. Nếu chỉ 1 trong 3 hộ “bàn lùi” hoặc thiếu đồng thuận thì có lẽ chưa làm được đoạn đường này, vì 3 hộ chung một con đường, cùng một lối đi”.
Tổng chi phí cho tuyến đường bê tông mà 3 gia đình ông Trần Hữu Thịnh, anh Nguyễn Văn Sơn và chị Nguyễn Thị Hợi cùng xây dựng đến nay hơn 300 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ đóng góp hơn 100 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với mỗi hộ dân ở vùng nông thôn miền núi thuần nông. Giá trị lớn hơn, đó chính là tinh thần đoàn kết của các hộ dân, thể hiện bằng hành động và kết quả đem lại không chỉ là con đường hiện hữu, thuận lợi cho đi lại mà còn lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đăng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh lâm (Thanh Chương) – rằng: “Công trình của 3 gia đình ông Trần Hữu Thịnh, anh Nguyễn Văn Sơn và chị Nguyễn Thị Hợi đã trở thành chủ đề được người dân thôn trên, xóm dưới của xã nhắc đến với sự nể phục. Trong các hội nghị nhân dân ở các thôn, xóm, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của xã, thôn, xóm cũng tôn vinh, nêu gương về sự đoàn kết, ý chí tự lực của 3 gia đình. Đó là những điển hình góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa bàn còn nhiều khó khăn như xã Thanh Lâm”.
Cảm động hơn, qua trò chuyện, chúng tôi được biết hoàn cảnh đặc biệt của gia đình chị Nguyễn Thị Hợi, một trong 3 hộ quyết tâm xây dựng đường. Năm nay, chị Hợi 56 tuổi, nhưng hơn 26 năm qua, từ khi chồng mất, một mình chị làm lụng nuôi 2 con ăn học. Bằng sự cần cù lao động sản xuất, từ những thửa ruộng, mảnh vườn, phát triển chăn nuôi và đi làm thuê, chị Hợi đã đưa kinh tế gia đình thoát khỏi hộ nghèo, chăm lo 2 con khôn lớn.
Cách đây gần 2 năm, chị Hợi đã mạnh dạn vay vốn cho con trai cả đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Cậu con trai đã chăm chỉ lao động, tích góp gửi tiền về cho mẹ trả nợ và sửa sang căn nhà. Khi ý định làm tuyến đường bê tông vào 3 hộ đưa ra, chị Hợi quyết tâm rất lớn. Chị nói: “Tôi bàn với 2 hộ là tốn mấy cũng phải làm, vì công trình phục vụ chính bản thân và con em chúng ta. Chính vì vậy, dù vừa sửa nhà xong, thiếu tiền đóng góp nên tôi phải đi vay mượn cho đủ để góp làm đường. Mừng là con ở bên Nhật gọi về nói, mẹ cứ vay để góp làm đường, hôm sau con tích góp gửi về trả nợ…”.
Khi chúng tôi tạm biệt 3 hộ dân ở thôn 5 ra về, đúng lúc, cậu con trai của chị Hợi ở nước ngoài gọi điện qua mạng, giọng chị Hợi nói chuyện với con trai phấn khởi lắm, rằng: “Cả thôn và xã cũng mừng vì con đường mới con à. Hôm nay còn có cán bộ huyện về thăm, chúc mừng nữa. Bữa sau mi về, đi lại dễ lắm, nỏ trơn trượt nữa mô…”.