Theo Cơ quan dịch vụ nhập cư Nhật Bản, quốc gia này chỉ có hơn 16.000 người có thị thực chuyên gia tay nghề cao cấp 1 tính đến cuối tháng 6/2022.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ giới thiệu một lộ trình mới đơn giản hơn vào ngày 21/4 để cấp thị thực cho lao động nước ngoài có tay nghề cao, nhằm thu hút nhân tài vào quốc gia này, cơ quan dịch vụ nhập cư Nhật Bản cho biết hôm 14/4.
Theo quy định mới, các ứng viên tiến hành nghiên cứu học thuật hoặc hoạt động chuyên ngành nâng cao sẽ được cấp thị thực 5 năm nếu họ có bằng thạc sĩ trở lên và thu nhập hàng năm từ 20 triệu yên trở lên, hoặc kinh nghiệm làm việc từ 10 năm trở lên và thu nhập hàng năm từ 20 triệu yên trở lên.
Những người đăng ký các hoạt động quản lý và kinh doanh nâng cao cũng sẽ được cấp thị thực 5 năm nếu họ có hồ sơ việc làm từ 5 năm trở lên và thu nhập hàng năm từ 40 triệu yên trở lên.
Bên cạnh đó, những người được cấp thị thực 5 năm cũng sẽ đủ điều kiện để được cấp thị thực vĩnh viễn sau khi cư trú tại Nhật Bản một năm, rút ngắn 2 năm so với quy định hiện tại.
Khủng hoảng nguồn nhân lực
Thị trường lao động Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có lực lượng lao động bị thu hẹp, năng suất thấp do thiếu tay nghề.
Viện nghiên cứu Mitsubishi ước tính, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ thừa 2,1 triệu lao động trong các ngành nghề sản xuất và văn phòng, vốn trước đây chiếm phần lớn lực lượng lao động nước này, và thiếu hụt khoảng 1,7 triệu nhân lực trong các lĩnh vực kỹ thuật chuyên môn vào năm 2030.
Theo một cuộc khảo sát 196 công ty Nhật Bản mới được công ty tuyển dụng chuyên nghiệp Robert Walters Nhật Bản công bố đầu tháng 3, 57% công ty cho biết họ “rất lo lắng” về tình trạng thiếu nhân viên có kỹ năng và sẵn sàng làm việc. Con số này cao hơn 9% so với một cuộc khảo sát tương tự vào năm 2022.
Một trong những nguyên nhân cho việc này xuất phát từ một thực tế là các công ty Nhật Bản thường áp dụng hệ thống việc làm trọn đời và trả lương theo thâm niên.
Họ thường thuê một số lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp cùng một lúc và để họ trải nghiệm các vị trí khác nhau trong mọi lĩnh vực thông qua việc luân chuyển công tác vài ba năm một lần. Do đó, nhiều người lao động không cảm thấy họ cần phải xây dựng sự nghiệp hay phát triển chuyên môn một cách nghiêm túc.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động Nhật Bản cũng ngày càng thu hẹp. Dân số trong độ tuổi lao động nước này vào năm 2030 dự kiến chỉ bằng 92% so với năm 2020. Con số này dự kiến giảm xuống còn 68% vào năm 2050, do dân số ngày càng già đi, và tỉ lệ sinh ngày càng giảm xuống. Số người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) chiếm khoảng 59,4% dân số trong năm 2022.
Thủ tướng Fumio Kishida năm 2022 đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét các cải cách để tuyển dụng nguồn nhân lực có tay nghề cao, bao gồm cả việc thiết lập một hệ thống mới “được xếp vào hàng tốt nhất trên thế giới”.
Đứng trước nguy cơ nguồn nhân lực trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, Nhật Bản đã tham gia vào cuộc đua tìm kiếm nhân tài toàn cầu, thực hiện nhiều giải pháp để thu hút nguồn lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động có kỹ năng.
Cần nhiều thứ hơn visa
Các quy định về visa dành cho lao động nước ngoài mà Nhật Bản sắp đưa ra được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế Nhật Bản phục hồi trở lại. Người lao động có tay nghề cao hơn sẽ góp phần đổi các nghiên cứu học thuật và nền kinh tế công nghiệp của nước này, theo Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ken Saito.
Mặc dù nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn có sức hút đối với lao động nước ngoài nhờ sự ổn định và lối sống của người dân nơi đây.
Bất chấp đại dịch hoành hành trong mấy năm vừa qua, nhiều sinh viên nước ngoài tại các trường đại học Nhật Bản vẫn chọn ở lại đây sau khi tốt nghiệp vì họ đã có được các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết, tận hưởng lối sống ở Nhật Bản và rèn luyện các mối quan hệ kinh doanh.
Tuy nhiên, đồng yên hiện đang yếu hơn nhiều so với các loại tiền tệ quốc tế khác, khiến tiền lương của người lao động ở đây tương đối thấp, do đó quốc gia này trở nên kém hấp dẫn hơn đối với một số người, theo ông Martin Schulz, trưởng bộ phận kinh tế chính sách của Bộ phận thông tin thị trường oàn cầu thuộc tập đoàn Fujitsu nhận định.
Những kỹ sư công nghệ thông tin Ấn Độ rời Nhật Bản trong thời kỳ đại dịch hiện đang có thu nhập cao hơn 30% ở quê hương mình, do đó họ có rất ít động lực để quay trở lại quốc gia này.
Trong 30 năm qua, lao động Nhật Bản gần như không được tăng lương do già hóa dân số và lạm phát. Do đó, việc việc tăng lương cho người lao động nước ngoài là một yêu cầu khó thực hiện được đối với đất nước mặt trời mọc ở thời điểm này.
Tuy nhiên, quốc gia này vẫn được khuyến cáo nên đưa ra các ưu đãi và động lực tốt hơn cho người nước ngoài làm việc ở đây.
“Cần có nhiều hỗ trợ hơn cho những người lao động nước ngoài muốn đến Nhật Bản. Ví dụ, vợ hoặc chồng của họ cũng nên được cấp phép làm việc ở đây, và thủ tục nhập cư cần được đơn giản hóa”, ông Schulz cho biết.
Bên cạnh việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực, Nhật Bản nên xem xét lại các phương thức tuyển dụng và phong cách làm việc, bởi quốc gia này từ lâu đã nổi tiếng toàn cầu về thời gian làm việc dài, tư duy làm việc là trên hết, cũng như những nghi thức nơi làm việc khó hiểu đối với người nước ngoài.
“Những điều này nghe có vẻ khá ngột ngạt đối với nhiều người trẻ có tay nghề cao từ nước ngoài. Do đó, Nhật Bản cần phải trở thành một nơi thú vị may ra mới thu hút được họ sang làm việc ở đó”, ông Richard Dasher, giám đốc trung tâm quản lý công nghệ châu Á của Đại học Stanford, Mỹ, nhận định.
Nguyễn Tuyết (Theo Japan Times, SCMP, weforum)