Thị trường lao động nước nào lương cao được nhiều người Việt Nam lựa chọn?

Nhật Bản là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc bởi mức lương cao. Ảnh minh họa: Internet.

Nhật Bản liên tục là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc bởi mức lương cao; tiếp đến là Đài Loan, Hàn Quốc…

Ngày 5/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH thông tin, trong tháng 8/2023, cả nước có tổng số 12.010 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm các thị trường: Nhật Bản 6.076 lao động, Đài Loan 4.698 lao động, tiếp đến là Hàn Quốc, Hungari, Singapore, Trung Quốc, Ba Lan,…

Trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 97.234 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 88,39% kế hoạch năm và gấp hơn 1,03 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản vẫn là thị trường tiềm năng dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam bởi có mức lương cao, với 47.215 người lao động; tiếp đến là Đài Loan 41.654 lao động, Hàn Quốc 1.944 lao động, Trung Quốc 1.163 lao động nam, Hungari 1.002 lao động, Singapore 964 lao động nam, Romani 627 lao động, Ba Lan 563 lao động và các thị trường khác.

Hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước được Bộ LĐTB&XH giao thực hiện các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (Chương trình IM Japan). Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng cho hay, đối với Chương trình IM Japan, trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, thực tập sinh được hưởng lương 130.000 – 170.000 yên/tháng (từ 21,5 triệu đồng đến 28 triệu đồng/tháng), sau khi kết thúc thời gian thực tập, thực tập sinh sẽ được nhận khoản tiền khuyến khích sự nghiệp là 200.000 yên/năm (tương đương 33 triệu đồng).

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan khẳng định những năm qua, Trung tâm Lao động ngoài nước đã đưa nhiều lao động, thực tập sinh đi làm việc ở nước ngoài, hoàn thành tốt nhiệm vụ Bộ giao, góp phần rất tích cực vào kết quả giải quyết việc làm ngoài nước. Tuy nhiên, Trung tâm Lao động ngoài nước cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường dạy nghề để nâng cao hiệu quả kết nối giữa công tác đào tạo và công tác tuyển chọn, phái cử lao động, từng bước nâng cao số lượng và tỷ lệ lao động đã được đào tạo đi làm việc ở nước ngoài.

Trung tâm Lao động ngoài nước cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chương trình. Đồng thời kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu người lao động với các Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Việc làm và các sở LĐTB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh thành và các DN trong nước có nhu cầu tiếp nhận lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT

TIN LIÊN QUAN