Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm tác động thế nào đến người lao động Việt Nam?

Đánh giá của việc Nhật Bản vừa chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm, theo Chứng khoán BSC, việc đồng Yên có thể tăng giá sau quyết định của BOJ sẽ có những tác động đến Việt Nam…

Nhật Bản vừa chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm, đánh dấu bước dịch chuyển lịch sử khỏi chương trình siêu nới lỏng tiền tệ được triển khai để ứng phó tình trạng giảm phát nhiều năm trước.

Trong thông báo trên trang web chính thức, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo nâng lãi suất ngắn hạn lên mức “khoảng 0-0,1%”, từ mức âm 0,1%. Đây là lần tăng lãi suất lần đầu tiên tại Nhật kể từ năm 2007.

Sức mạnh của nền kinh tế cho phép BOJ dư địa để chấm dứt chính sách lãi suất âm và kiểm soát đường cong lợi suất. Theo báo cáo sửa đổi vừa được cập nhật và được công bố vào ngày 11/03 vừa qua, Nhật Bản đã tránh được suy thoái kỹ thuật khi GDP được điều chỉnh cao hơn trong Q4/2023.

Theo đó, GDP Q4/2023 của Nhật Bản được điều chỉnh tăng 0,1% so với quý trước, thay đổi so với số liệu ước tính trước đó là giảm 0,1%. GDP Q3/2023 cũng được cải thiện đôi chút, chỉ còn giảm 0,7% so với quý trước đó từ mức giảm 0,8%. So với cùng kỳ, GDP Q4/2023 của Nhật Bản tăng 0,4%, được điều chỉnh từ mức giảm 0,4%, đồng thời cũng cải thiện đáng kể từ mức giảm 2,9% trong quý III/2023.

Lạm phát lõi ở mức trên 2% được BOJ đánh giá là bền vững trong dài hạn. Chính sách hiện tại của BOJ là duy trì khuôn khổ nới lỏng tiền tệ và tiếp tục mở rộng cơ sở tiền tệ cho đến khi lạm phát tiêu dùng lõi ổn định ở mức trên 2%. Tính đến tháng 1/2024, chỉ số lạm phát lõi của Nhật Bản đánh dấu tháng thứ 22 liên tiếp cao hơn mục tiêu 2% mà BOJ đề ra.

Nhật Bản là một trong những chủ nợ lớn của Việt Nam và là chủ nợ song phương lớn nhất tính đến năm 2022 với tổng khoản vay khoảng 252 nghìn tỷ VND.

Việc chấm dứt chính sách lãi suất âm của BOJ diễn ra sau khi các nhà tuyển dụng lớn nhất đồng ý tăng lương 5,28% với các liên đoàn lao động lớn vào ngày 15/3/2024, đánh dấu mức tăng lương lớn nhất trong 33 năm. BOJ kỳ vọng mức lương cao hơn sẽ dẫn đến nhu cầu trong nước cao hơn và mục tiêu giữ vững lạm phát ở mức 2% sẽ bền vững hơn.

Lạm phát tăng trên mức 2% liên tiếp trong 22 tháng bào mòn nền kinh tế và gây ra những thách thức tài chính lớn. Do phần lớn nguồn tiền chi để hỗ trợ nền kinh tế do cú sốc của đại dịch Covid19 và ứng phó lạm phát (tổng cộng khoảng 68.500 tỷ yên ~ 471 tỷ USD trong bốn năm tính đến năm 2023) chủ yếu từ việc phát hành nợ, nên mục tiêu “khôi phục tài khóa” của chính phủ đang bị lùi lại.

Mới đây, các thành viên khu vực tư nhân của Hội đồng Kinh tế và chính sách tài khóa Nhật Bản đã trình dữ liệu về cán cân cơ bản cho thấy “sức khỏe” tài chính của đất nước đang xấu đi. Theo đó, tỷ lệ phần trăm cán cân cơ bản tính trên GDP giảm 1,7-5,2 điểm phần trăm trong giai đoạn bốn năm nêu trên, so với kịch bản không có các chương trình chi tiêu bổ sung 68.500 tỷ yên kể trên. Gia tăng chi tiêu đã khiến nợ công của Nhật Bản dự kiến lên tới 1.100 tỷ yên trong tài khóa 2023, gần gấp đôi quy mô nền kinh tế.

Nhật Bản là đối tác ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ 4. Giai đoạn 2021-2023, đồng Yên đã mất khoảng 30% giá trị so với đồng USD và là mức mất giá mạnh hơn hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực khi BOJ giữ lãi suất cực thấp còn hầu hết các NHTW lớn trên thế giới đều tăng lãi suất.

Các nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng chu kỳ giảm giá quá mức của đồng Yên trong thời gian qua sẽ kết thúc khi BOJ tăng lãi suất trở lại trong khi các NHTW lớn khác như Fed và ECB bước giai đoạn cắt giảm lãi suất đặc biệt hiện tại tình trạng lạm phát của Nhật Bản đang tiếp tục tăng nóng.

Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm tác động thế nào đến Việt Nam? - Ảnh 1

Việc đồng Yên tăng giá khiến nợ công thực của Việt Nam tăng: Nhật Bản là một trong những chủ nợ lớn của Việt Nam và là chủ nợ song phương lớn nhất tính đến năm 2022 với tổng khoản vay khoảng 252 nghìn tỷ VND. Việc đồng Yên tăng giá khiến gánh nặng nợ công tăng lên. Ngoài ra, việc đồng Yên tăng giá có thể khiến đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) từ Nhật Bản giảm.

Việc đồng Yên tăng giá sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu và có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường này.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các loại hàng phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ … và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu …

Ngoài ra, việc đồng Yên tăng giá còn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sử dụng nợ vay bằng đồng Yên.

Trong khi đó, người lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nếu đồng Yên tăng giá khi có thể nhận được mức lãi suất tiền gửi cao hơn khi gửi tiền ở Nhật Bản và có thu nhập cao hơn khi quy đổi sang USD/VND. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu của Việt Nam. Đây cũng là nhân tố hỗ trợ rất tốt đối với nguồn kiều hối của Việt Nam.

Theo VnEconomy

TIN LIÊN QUAN