Nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước tăng nhanh sau dịch bệnh là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho biết, định hướng thời gian tới sẽ giảm đưa lao động phổ thông, tập trung đưa lao động có kỹ năng – tay nghề để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động thế giới, nâng vị thế của lao động Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu lao động đang trên đà phục hồi sau 2 năm bị “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dự kiến năm nay, xuất khẩu lao động đi nước ngoài làm việc sẽ vượt mục tiêu (đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài) khoảng 10%.
Thị trường Nhật vẫn tiềm năng
Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy, 6 tháng đầu năm, 68.000 lao động Việt Nam đã xuất cảnh. Trong đó, khoảng 60% lao động sang Nhật Bản, 30% sang Đài Loan (Trung Quốc), còn lại 10% sang các thị trường Hàn Quốc, Singapore, châu Âu…
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện nay, Hàn Quốc đang có mức thu hút hàng đầu, tiếp đến là thị trường Nhật Bản. Nhưng, gần đây, thị trường này có một chút khó khăn về vấn đề tỷ giá khiến thu nhập của lao động Việt không còn cao như trước.
Chị Nguyễn Thùy Trang, công nhân chế biến thủy sản tại Hokkaido (Nhật Bản), quê tại Nghệ An cho hay, mức lương hiện tại của chị là 150.000 Yên (JPG)/tháng. Tính theo tỷ giá JPY/VND, đầu năm ngoái, mức lương của chị tương đương hơn 33 triệu đồng/tháng, nhưng theo tỷ giá hiện tại chỉ còn tương đương 26 triệu đồng.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cho biết, mặc dù tỷ giá Yên Nhật đang giảm nhưng lương tối thiểu của người lao động tại nước này vẫn cao hơn nhiều thị trường. Hơn nữa, các công ty Nhật luôn bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lao động tốt nhất của Việt Nam thời điểm hiện tại.
Ông Bùi Kim Sơn, Giám đốc Công ty LETCO cho hay, hiện nay, lương tối thiểu của người lao động tại Nhật Bản là 120.000 Yên/tháng (tương đương 20 triệu đồng/tháng), chưa bao gồm tăng ca. Tuy nhiên, đa phần các chủ sử dụng lao động đều trả lương 140.000 – 170.000 Yên/tháng (25-30 triệu đồng/tháng) để dễ tuyển dụng. Đặc biệt, với công nhân làm nghề xây dựng, mức lương có thể lên tới 18.000 – 20.000 Yên/tháng (20-35 triệu đồng/tháng).
“Từ đầu năm đến nay, số lượng lao động sang Nhật tại LETCO đã gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Công ty đang tăng cường tuyển mới để đáp ứng các đơn hàng từ nước bạn”, ông Sơn cho hay.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Cường (Hà Tĩnh), lao động Việt đang làm việc tại Osaka chia sẻ, nhiều người lo lắng Yên Nhật xuống giá, nên không muốn sang Nhật thời điểm này, nhưng theo chị, đây là thời điểm ít cạnh tranh, tỷ lệ “chọi” thấp, dễ trúng đơn hàng.
“Tình hình khả quan và các nước có chính sách phù hợp để phục hồi kinh tế, chúng ta có thể đưa lao động đi đạt được kế hoạch đầu năm đề ra là 90.000 người trong năm nay. Khả năng là vượt được con số 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài, đạt trên 100.000 người”
Ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước
“Thông thường các đơn hàng xuất khẩu lao động sang Nhật sẽ là 3 người thi chọn 1 người, do đó tỷ lệ đỗ đơn hàng sẽ là 33%”, chị Trang nói.
Thị trường lương cao đã có nhưng thiếu lao động
Bên cạnh việc mở cửa lại các thị trưởng truyền thống, nhiều hoạt động hợp tác đưa lao động đi các thị trường xuất khẩu lao động thu nhập cao đã được xúc tiến để những lao động có tay nghề, trình độ, kỹ năng có nhiều sự lựa chọn.
Về định hướng xuất khẩu lao động 6 tháng cuối năm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, yếu tố chất lượng lao động vẫn cần đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, bên cạnh những thị trường truyền thống, định hướng trong thời gian tới là đưa lao động đi làm việc tại các thị trường an toàn, có thu nhập cao, bảo đảm phúc lợi tốt cho người lao động.
Bên cạnh việc tập trung đưa người lao động đi làm việc ở thị trường quen thuộc như khu vực Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc với khoảng trên 90% chỉ tiêu, còn lại là thị trường Trung Đông, Đông Âu.
Với thị trường như châu Phi, một số nước tiếp nhận lao động Việt Nam là Algeria, Djibouti. Nếu người lao động có trình độ như lao động trình độ cao trong lĩnh vực xây dựng thì thu nhập dao động từ 600 – 1.200 USD. Công việc chủ yếu là hoàn thiện nhà, nội thất…
Hay như người lao động sang Trung Đông có chứng chỉ nghề quốc tế sẽ nhận mức 1.200 – 1.500 USD, làm tốt thu nhập tới 1.800 – 2.000 USD.
Không chỉ được trả mức thu nhập tốt, nếu có kiến thức, trình độ cũng là yếu tố giúp người lao động có vị trí vững vàng hơn trong công việc khi xảy ra khủng hoảng. Ví dụ như đại dịch COVID-19, người lao động trình độ phổ thông sẽ bị cắt giảm, người có năng lực vẫn được giữ lại.
Tuy nhiên, ông Liêm cho biết, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cung ứng lao động rất khó khăn trong tuyển nhân lực mới, đáp ứng nhu cầu của đối tác. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ đã bỏ lỡ các hợp đồng, đơn hàng có mức thu nhập cao vì không tuyển được lao động đạt yêu cầu.
Anh Nguyễn Hồng Sơn, trưởng phòng hành chính một công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội chia sẻ: “Đầu năm nay, công ty trúng đơn hàng cung cấp 30 nhân viên tester (kiểm thử phần mềm) cho một công ty của Nhật hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hơn 4 tháng qua vẫn chưa tuyển đủ số lượng lao động. Đối tác gia hạn hợp đồng đến hết tháng 7, nhưng đến nay công ty vẫn chưa tuyển đủ số lượng, việc phải huỷ bỏ hợp đồng là chắc chắn”.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, định hướng thời gian tới sẽ giảm đưa lao động phổ thông, tập trung đưa lao động có kỹ năng – tay nghề để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động thế giới, nâng vị thế của lao động Việt Nam. Phía đối tác nước ngoài cũng sẽ hỗ trợ chi phí tuyển chọn, đào tạo kỹ năng, trình độ…, do đó người lao động được giảm chi phí ban đầu.