Hà Nội: Nhiều tín hiệu khả quan từ thị trường lao động

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, nhờ đẩy mạnh kết nối thông tin, nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm, triển khai trở lại công tác đào tạo học nghề cho người lao động nên 6 tháng đầu năm 2022, TP Hà Nội đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực với hơn 118.000 người được tạo việc làm mới.

– Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thị trường lao động Hà Nội 6 tháng đầu năm 2022 đã có những thay đổi thế nào, thưa ông?

– Triển khai Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26.1.2022 của UBND Thành phố Hà Nội về việc “Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022”, trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã tiến hành nhiều giải pháp hiệu quả, bao gồm: Tập trung rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; tăng cường định hướng đào tạo nghề; chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm; bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động…

Tất cả các giải pháp đó được thực hiện đồng bộ, góp phần hữu hiệu trong việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Kết quả, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã giải quyết việc làm mới cho 118,9 nghìn người lao động, đạt 74,3 % so với kế hoạch giao trong năm, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội là 2.090 tỷ, tạo việc làm cho 45.000 lao động; 7.832 lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm; 1.201 lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động; 64.820 lao động được cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác. Dự kiến lực lượng lao động trên 15 tuổi của Hà Nội khoảng 4,25 triệu người; số lượng lao động có việc làm khoảng 4,17 triệu người.

Có được những kết quả lạc quan như trên là nhờ kinh tế – xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong những tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu khởi sắc, kéo theo các hoạt động của thị trường lao động nhộn nhịp trở lại sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2022, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động trên địa bàn trong điều kiện “bình thường mới”. Công tác tổ chức các phiên giao dịch việc làm, gắn giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với các hoạt động thông tin thị trường lao động, tư vấn việc làm và hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, trở thành một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phục hồi thị trường lao động. 

– Bên cạnh tín hiệu tích cực và khởi sắc, thị trường lao động phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

– Thị trường lao động nửa cuối năm 2022 đang phải chịu ảnh hưởng bởi tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài; Trung Quốc tiếp tục chính sách phong tỏa nhằm kiểm soát Covid-19; lạm phát tăng cao ở nhiều nước đã tác động xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại toàn cầu. Ở một số khu công nghiệp, các ngành nghề như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử vẫn xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Một số ngành khác như du lịch, giáo dục vì chịu tác động mạnh từ dịch bệnh nên phải dừng hoạt động dài. 

Không chỉ vậy, Hà Nội đang chuyển dịch từ công nghiệp chế biến sang các ngành công nghiệp kỹ thuật, công nghệ cao nên cần số lượng lớn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho kinh doanh, sản xuất. Nhưng nguồn lao động có chất lượng tại Hà Nội hiện nay còn thiếu, chưa thể đáp ứng được nhu cầu từ phía doanh nghiệp. Chất lượng nguồn cung lao động còn chưa cao và kỹ thuật chuyên môn của người lao động cần phải cải thiện hơn nữa. 

– Vậy xu hướng tuyển dụng nhân sự và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên thành phố nửa cuối năm 2022 theo ông sẽ thế nào? Các nhóm ngành nghề nào được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động cao, thưa ông?

– Dự kiến 6 tháng cuối năm 2022, thị trường lao động Hà Nội vẫn diễn ra trong bối cảnh đời sống và kinh tế đang từng bước phục hồi sau dịch bệnh Covid-19. Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng 4.0 – cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ và kỹ thuật hiện đại đã làm thay đổi căn bản thị trường lao động. Bản chất và chất lượng việc làm sẽ có sự chuyển dịch từ “lượng” (sử dụng nhiều lao động, lao động không cần tay nghề, kỹ thuật cao, lao động chi phí thấp…) sang “chất” (lao động sử dụng nhiều trí tuệ, chất xám, trình độ tay nghề cao…). Đặc biệt, chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc đối với tất cả mọi ngành nghề nếu không muốn bị tụt hậu. 

Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào các xu hướng tuyển dụng:

Thứ nhất, thuê ngoài nhân sự đã trở thành giải pháp tối ưu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Với biện pháp này, doanh nghiệp không chỉ tìm được nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp mà còn tiết kiệm được nhiều chi phí. Đặc biệt với những dự án ngắn hạn, sử dụng nhân sự thuê ngoài giúp doanh nghiệp đảm bảo được cả tiến độ lẫn chất lượng công việc. 

 Thứ hai, xây dựng chính sách phúc lợi nhân viên vẫn là mối quan tâm và ưu tiên hàng đầu đối với người sử dụng lao động lẫn người lao động. Để thích ứng với dịch bệnh, các doanh nghiệp đã áp dụng hình thức phỏng vấn từ xa nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên cũng như tiết kiệm chi phí và thời gian. Dự đoán trong nửa cuối năm 2022, hình thức tuyển dụng từ xa vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải có quy trình tỉ mỉ và công nghệ tiên tiến, chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu làm việc từ xa hay các phương án thay thế tại chỗ. 

Về nhu cầu nhân sự, ngành công nghệ thông tin vẫn đạt mức cao nhất. Các xu hướng như: chuyển đổi số, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và internet vạn vật không chỉ mang lại cho nhân lực ngành này cơ hội việc làm đa dạng mà còn có thể trải nghiệm, kết hợp cùng các công ty hay dự án nước ngoài. Nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp sản xuất như: điện tử, dệt may và hóa chất cũng tăng đáng kể trong giai đoạn cuối năm và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Từ việc dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc đến việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giúp Việt Nam được xem là điểm đến tiềm năng cho ngành sản xuất.

– Trong tương lai, thành phố sẽ đưa ra những giải pháp nào để hỗ trợ và thúc đẩy thị trường lao động trong bối cảnh bình thường mới, thưa ông?

– Nhằm hỗ trợ thúc đẩy, khôi phục thị trường lao động, trong thời gian tới, Sở LĐTBXH tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 8.6.2021 của UBND thành phố về việc thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội đến năm 2030; Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 1.7.2021 của UBND thành phố về nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của thành phố giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 13.7.2021 của UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”; Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26.1.2022 của UBND thành phố Hà Nội  về việc “Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất… Khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh nhằm cung cấp thông tin về thị trường cho người lao động và doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ tích cực quan tâm, hỗ trợ các hộ kinh doanh, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất nâng cao kết nối cung cầu lao động. Từ những hoạt động đó, người lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm đồng thời giúp các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động cho quá trình phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Nhung Trang-ĐBND

TIN LIÊN QUAN