Mở rộng và phát triển thị trường lao động ngoài nước

Hơn hai năm qua, dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp với sự bùng phát của các biến chủng mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực xuất khẩu lao động. Phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách phòng, chống Covid-19, cho nên đã hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc.

Năm 2020, Việt Nam chỉ đưa được 78.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 60% kế hoạch; năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sụt giảm chỉ còn 45 nghìn lao động, đạt 50% kế hoạch.

Năm 2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt ra mục tiêu đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sau một thời gian “đóng băng”, hầu hết các nước đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch Covid-19 nhằm phục hồi nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, do đó nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng. Đây cũng là thời cơ thuận lợi để Việt Nam tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường lao động nước ngoài.

Ngay từ những tháng đầu năm, bên cạnh việc mở cửa lại các thị trường truyền thống, như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, nhiều hoạt động hợp tác đưa lao động đi các thị trường thu nhập cao đã được xúc tiến triển khai. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như với Đức, Nga, Israel và một số thị trường châu Âu khác. Theo thống kê, tính đến giữa tháng 6/2022, đã có gần 52 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt hơn 57,4% kế hoạch năm…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, thời gian qua, nhiều người lao động được tuyển chọn, đào tạo và làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài nhưng không xuất cảnh được, đã làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của bản thân và gia đình người lao động. Một bộ phận người lao động phải tìm kiếm việc làm khác để ổn định cuộc sống. Tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, lao động cư trú bất hợp pháp với tỷ lệ cao tại Hàn Quốc của một số địa phương cũng khiến nhiều người lao động mất đi cơ hội đi làm việc tại nước ngoài.

Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phải có văn bản tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình dành riêng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc) đối với tám huyện thuộc bốn tỉnh: Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An và Thanh Hóa. Hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các tỉnh nêu trên tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước.

Chia sẻ về định hướng xuất khẩu lao động sáu tháng cuối năm, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, yếu tố chất lượng lao động cần đặt lên hàng đầu. Vì vậy, cùng với việc mở thêm các thị trường mới, việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài đặc biệt được chú trọng. Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước tập trung đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác chuẩn bị, tạo nguồn lao động chất lượng cao. Tăng cường tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề, ý thức tổ chức kỷ luật… cho người lao động. Điều này, giúp tạo vị thế của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, phòng, tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Nhân Dân

TIN LIÊN QUAN