Ngày đất nước hòa bình, thống nhất, những người lính trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương và bước sang một “chương mới” của cuộc đời. Trong số đó có nhiều người sang nước ngoài học tập, lao động, lập nghiệp theo đúng xu thế hội nhập.
Nhưng dù ở đâu, những người lính năm xưa vẫn luôn tự hào khi được gọi là Bộ đội Cụ Hồ hay những cựu chiến binh (CCB) trong thời bình.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, từng là chiến sĩ của Trung đoàn 48 anh hùng, sinh sống tại Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức từ năm 1988. Kể từ khi sang Đức, ông chăm chỉ, chịu khó học hỏi và trở thành giảng viên, nghiên cứu viên ngành hóa sinh tại Đại học Bochum, trước khi chuyển sang làm y sĩ châm cứu và giảng dạy chuyên ngành châm cứu tại Trung tâm Đông y Münster. Dù chính thức nghỉ hưu từ năm 2020 nhưng ông không nghỉ việc. Bằng tâm huyết và trách nhiệm của một người CCB Bộ đội Cụ Hồ, một lương y, ông đã truyền lại kiến thức về châm cứu cho các đồng nghiệp người Đức. Việc làm của ông có ý nghĩa thiết thực, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Đức.
CCB Nguyễn Huy Thắng sinh sống và làm việc tại CHLB Đức từ năm 1988. Ông nguyên là chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 107, từng tham gia chiến đấu ở Mặt trận Quảng Ngãi từ năm 1972 đến khi chiến tranh kết thúc. Rời quân ngũ với tỷ lệ thương tật 61%, ông trở thành phóng viên của Báo Quảng Ninh, sau đó là Báo Hà Tây. 34 năm sinh sống và làm việc ở một quốc gia châu Âu nhưng ông Thắng vẫn giữ phong cách của một người lính, dám nghĩ, dám nói, dám làm và luôn có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Từ vị trí đội trưởng đội sản xuất đồ gỗ đi xuất khẩu lao động sang Đức, giờ đây CCB Nguyễn Huy Thắng là một doanh nhân thành đạt, một nhà thơ và là nhân vật có nhiều đóng góp cho cộng đồng người Việt ở Đức. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng CCB Nguyễn Huy Thắng vẫn vẹn nguyên bầu nhiệt huyết, mang đậm chất lính khi tham gia các hoạt động tập thể vì cộng đồng và hướng về quê hương. Ông tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vận động các hội viên tham gia phong trào thiện nguyện, thăm hỏi và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ…
Cũng như ông Thắng, ông Vinh, nhiều CCB sinh hoạt trong các câu lạc bộ, hội CCB Việt Nam ở nước ngoài đã từng bước qua lửa đạn chiến tranh, từ cõi chết trở về. Họ đã phấn đấu học tập, nghiên cứu, kinh doanh, trở thành trí thức, doanh nhân thành đạt. Dù sống xa Tổ quốc nhưng trách nhiệm và nỗi trăn trở với quê hương chưa bao giờ vơi trong họ. Phát huy truyền thống và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bằng trí tuệ, tâm sức của mình, nhiều CCB kiều bào đã xây dựng sự nghiệp, có chỗ đứng vững chắc ở nước sở tại và luôn hướng về quê hương, cội nguồn.
Theo thống kê của Trung ương Hội CCB Việt Nam, hiện nay có hàng nghìn CCB đang sinh sống ở nước ngoài như: LB Nga, CHLB Đức, Séc, Ba Lan, Ukraine… trong đó đông nhất vẫn là Hội CCB Việt Nam tại LB Nga với khoảng 3.000 hội viên. Theo ông Đỗ Văn Tiếu, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam tại LB Nga, hội được thành lập ngày 22-12-2015, ra mắt lần đầu tiên ngày 30-4-2016. Trải qua 6 năm hoạt động, hội luôn là trung tâm đoàn kết các hội viên. Ngoài Moscow, hội đã mở rộng ra các thành phố: Yekaterinburg, Pyatigorsk, Novosibirsk, Omsk và Ulyanovsk. Trong khi đó, Câu lạc bộ CCB Việt Nam tại Ba Lan hoạt động từ năm 2000 và duy trì đến nay. Năm 2014, Hội CCB Việt Nam tại Cộng hòa Séc được thành lập và hiện có gần 600 hội viên, trong đó có rất nhiều người đã trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các câu lạc bộ, hội CCB Việt Nam ở nước ngoài hoạt động dưới sự chỉ đạo của đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại. Nhiệm vụ chính của các hội là tập hợp cán bộ, chiến sĩ từng tham gia quân đội qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới, làm nghĩa vụ quốc tế và các quân nhân xuất ngũ sau này nhằm động viên, giúp nhau làm kinh tế khi ở xa Tổ quốc.
Phát huy những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, trong những năm qua, các câu lạc bộ, hội CCB Việt Nam ở nước ngoài hoạt động khá đều, có nền nếp và tham gia tích cực vào các hoạt động, phong trào đầy ắp nghĩa tình đồng đội, đồng bào do đại sứ quán và hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo đại sứ quán Việt Nam đánh giá cao. Có thể kể đến các phong trào, hoạt động như: “Góp đá xây Trường Sa”, mua xuồng chủ quyền tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ủng hộ đồng bào bị bão lụt hay quyên góp tiền, vật tư y tế hỗ trợ bà con ở trong nước phòng, chống dịch Covid-19… Bên cạnh đó, hằng năm, các hội CCB Việt Nam ở nước ngoài còn tổ chức các ngày kỷ niệm lớn của đất nước như: Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Ngày Quốc khánh (2-9), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12).
Khi Tổ quốc bị xâm lăng, những người lính Cụ Hồ luôn có mặt ở tuyến đầu, sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Sau chiến tranh, những người lính trở về đời thường, tiếp tục cống hiến để xây dựng và phát triển đất nước. Dù sống xa Tổ quốc nhưng những CCB kiều bào, vốn được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến năm xưa, vẫn phát huy bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, là hạt nhân gắn kết các phong trào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trở thành điểm tựa cho thế hệ trẻ hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại.