Địa phương chủ động nguồn hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên

Kinh phí thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm. Ảnh: TL.
Theo Bộ Tài chính, địa phương chủ động sử dụng ngân sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện.

Cử tri tỉnh An Giang cho rằng, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2015. An Giang là tỉnh chưa tự cân đối ngân sách nên việc sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ trên địa bàn cả nước theo Công văn số 8954/BTC-NSNN ngày 10/8/2021 của Bộ Tài chính gặp rất nhiều khó khăn.

Kinh phí thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm. Ảnh: TL.

Từ năm 2021 đến nay Bộ Tài chính chưa phân bổ kinh phí cho tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua thẻ cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ. Do vậy, cử tri tỉnh này kiến nghị với Bộ Tài chính xem xét, tiếp tục phân bổ kinh phí cho tỉnh để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ.

Bộ Tài chính cho biết, việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện đã được quy định tại Điều 17 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.

Cụ thể: “Nguồn kinh phí để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.

Ngoài ra, quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong đó, nêu rõ: “Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua thẻ cho thanh niên do ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên, được giao hằng năm của bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước…”.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện (bao gồm thanh niên xuất ngũ trên địa bàn cả nước) đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh theo quy định Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH nêu trên./

Đã có quy định về hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện đã được quy định tại Điều 17 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm./.

Minh AnhNguồn Thời báo Tài chính

TIN LIÊN QUAN