Trong 11 tháng đầu năm nay, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã cán mốc hơn 122 nghìn người, vượt kế hoạch của năm.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 122.004 người, đạt 135,56% kế hoạch năm. Trong số này, có 44.572 lao động nữ, chiếm tỷ lệ khoảng 36,5%.
Con số này ghi nhận sự bứt phá trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau những khó khăn của hai năm vừa qua do những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận lao động thu hút nhiều lao động nước ta nhất, với 60.105 lao động (27.359 lao động nữ). Tiếp đó là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 53.883 lao động (16.257 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.732 lao động (43 lao động nữ), Singapore: 1.663 lao động.
Trước đó, mục tiêu đặt ra với lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của năm 2022 là 90 nghìn lao động.
Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận lao động thu hút nhiều lao động nước ta nhất, với 60.105 lao động (27.359 lao động nữ). Tiếp đó là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 53.883 lao động (16.257 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.732 lao động (43 lao động nữ), Singapore: 1.663 lao động.
Theo Quyết định 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/2/2022, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ tham gia Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Quỹ do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý theo quy định của pháp luật.
Từ tháng 3 năm 2022, thị trường lao động của nhiều nước đã mở cửa trở lại cho lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Trong năm nay, nhiều cơ hội đã mở ra tại các thị trường đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho lao động trong nước.
Từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, Bộ Nhân lực Singapore thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến tại quốc gia này dưới hình thức visa Work Permit (giấy phép lao động). Trước đây, Singapore chỉ cấp visa cho lao động Việt Nam làm việc tại nước này dưới hình thức visa Employment Pass và S Pass.
Vào tháng 3 năm 2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Australia.
Dự kiến, Chương trình sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 lao động nước ta sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Australia mỗi năm. Tới nay, đây là Bản ghi nhớ đầu tiên mà nước bạn ký với các nước đưa lao động đi làm việc tại Australia theo chương trình thị thực nông nghiệp này.
Chương trình thị thực nông nghiệp được thực hiện nhằm góp phần bù đắp thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp và mang lại lợi ích kinh tế cho Australia, đồng thời tạo cơ hội cho lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thu nhập trong thời gian làm việc tại Australia và gửi thu nhập về nước. Trong khi đó, những người sử dụng lao động Australia cũng sẽ được lợi từ việc có thể tiếp cận nguồn lao động đáng tin cậy.
Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Australia sẽ tạo khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam dễ dàng nhập cảnh tới Australia để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng trong năm nay, Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia cũng đã được ký kết. Đây là sự tiếp nối của Bản ghi nhớ lần đầu tiên về tuyển dụng lao động Việt Nam giữa hai nước ký tháng 12/2003 và được ký tiếp lần thứ hai vào tháng 8/2015. Từ đó đến nay, có khoảng hơn 100 nghìn lượt lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Malaysia.
Hiện nay, có khoảng 10 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia, tập trung phần lớn trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng và dịch vụ.
Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Việt Nam và Malaysia được ký kết lần thứ 3 liên tiếp là dấu mốc quan trọng đối với quan hệ hợp tác lao động tốt đẹp trong gần 20 năm qua giữa Chính phủ hai nước nói chung và hai Bộ nói riêng. Điều này góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác này, góp phần thu hút lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc trong nhiều ngành nghề.
So với nội dung Bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Malaysia ký năm 2015, Bản ghi nhớ mới năm 2022 có một số nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào các điều khoản bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi doanh nghiệp sử dụng lao động bị phá sản hoặc vi phạm hợp đồng đối với người lao động theo các quy định mới của quốc gia này. Đồng thời, có sự bảo đảm từ cả hai chính phủ về tuyển dụng, an toàn, an ninh của người lao động và các bên sẽ tạo điều kiện để người lao động hồi hương khi hết hạn hợp đồng lao động.
NGÂN ANH