Từ chối học đại học để đi xuất khẩu lao động

Từ chối học đại học để đi xuất khẩu lao động liệu đã phải là con đường hợp lý cho mỗi cá nhân?

Sáng 28/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thông tin cả nước có hơn 122.000 thí sinh đỗ đại học nhưng bỏ nhập học, chiếm hơn 18% tổng số thí sinh đỗ vào đại học đợt 1 năm nay, tăng 9,6% so với năm 2023.

Tình trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn lực giáo dục mà còn tạo ra nhiều thách thức đối với các trường đại học và cả xã hội.

Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều thí sinh không nhập học là do chất lượng đào tạo của các trường đại học chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhiều trường thiếu trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, không có các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Vấn đề lớn thứ hai là chi phí học tập cao. Mặc dù con đã đỗ đại học, nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí học tập. Lý do thứ ba là sự hấp dẫn của các chương trình du học nghề (vừa học vừa làm) và xuất khẩu lao động. Ở đây đáng chú là nguyên nhân thứ ba khi các em học sinh chấp nhận đi làm lao động phổ thông ở nước ngoài.

Nhiều người tính toán, 4 năm học đại học mất khoảng 300-400 triệu đồng. Ra trường công việc thuận lợi sẽ cần đến cả chục năm mới có thể thu hồi. Trong khi chỉ cần đầu tư khoảng 150 triệu đồng đi xuất khẩu lao động sẽ có ngay thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng. Chỉ cần nửa năm là thu hồi vốn, thời gian còn lại đủ để tích lũy vài trăm triệu tính tiếp chặng đường sau.

Những người trẻ tốt nghiệp THPT đi xuất khẩu lao động hầu như chỉ có thể bổ sung vào nguồn lao động phổ thông hùng hậu của Việt Nam ở nước ngoài. Tốt nghiệp THPT đi lao động ở nước ngoài ngay, họ thường chỉ được làm công nhân, bán hàng, giúp việc gia đình, làm nông nghiệp. Lao động phổ thông ở nước ngoài chỉ có thể giải quyết được vấn đề trước mắt là việc làm, thu nhập còn những mục tiêu lâu dài của xuất khẩu lao động là tay nghề, kỹ năng lao động công nghiệp thì lĩnh hội được không đáng kể.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 7 tháng năm 2024, Hải Dương có hơn 5.700 lao động sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng, vượt 27% so với mục tiêu đề ra cả năm. Trong số này có nhiều người trẻ, nhất là các em không học đại học. Nếu đi xuất khẩu lao động, các em sẽ có mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. So với thu nhập ở các nước sở tại không cao nhưng chênh lệch giá trị đồng tiền khi gửi về gia đình lại khá hấp dẫn.

Bỏ đại học đi xuất khẩu lao động liệu đã phải là con đường hợp lý cho mỗi cá nhân? Nếu ngày càng có nhiều học sinh bỏ đại học tìm cơ hội kiếm tiền ở nước ngoài bằng con đường xuất khẩu lao động thì lực lượng lao động có tay nghề, những người có kỹ năng, trình cao sẽ ít đi. Vậy nếu tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều thì nguồn nhân lực của đất nước sẽ ra sao?

Hải Dương cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang tích cực thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh cũng đang xây dựng khu kinh tế chuyên biệt. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đang “khát” lao động chất lượng cao. Các em có thể cân nhắc chọn học nghề để nâng cao kỹ năng trước khi tìm con đường xuất khẩu lao động. Như thế, không những sẽ được hưởng lợi mức thu nhập dành cho lao động có tay nghề ở nước ngoài mà khi về nước có bằng cấp, có kỹ năng, lại qua thực tế va chạm với mô hình sản xuất chuyên nghiệp sẽ giúp các em có cơ hội việc làm tốt hơn khi về nước.

Các em học sinh và gia đình cần tính toán kỹ cho tương lai trước khi quyết định từ chối học đại học, cao đẳng hay cả trường nghề để đi xuất khẩu lao động ngay sau khi tốt nghiệp THPT.

Công tác hướng nghiệp cần được thực hiện từ sớm, ngay từ cấp trung học cơ sở, để học sinh có thời gian tìm hiểu, khám phá bản thân và lựa chọn ngành học phù hợp.

Theo SONG ANH

TIN LIÊN QUAN