Quảng Nam đặt mục tiêu đưa 5.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì Hội nghị công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - (Ảnh: Thùy Trang/quangnam.gov.vn).

Tại Hội nghị công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động là vấn đề cốt lõi mà tỉnh Quảng Nam hướng đến. Theo đó, giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu đưa 5.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó năm 2022 là 1.000 lao động.

Phát biểu tại Hội nghị công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tổ chức ngày 18/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động là vấn đề cốt lõi mà tỉnh Quảng Nam hướng đến. Theo đó, trong nhiều năm qua tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, trong đó có chương trình đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, tạo cơ hội lớn cho người lao động có việc làm, có thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn lao động…

Tuy nhiên công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa thực sự bài bản, chưa khai thác hết nguồn lao động dồi dào trên địa bàn tỉnh. Hy vọng qua hội nghị này Quảng Nam sẽ tiếp nhận được nhiều kiến nghị, giải pháp đột phá cho công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 03 năm 2019-2021, số lượng lao động tỉnh Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài là 2.217 lao động; trên 95% số lao động tỉnh Quảng Nam đi làm việc tại Nhật Bản, khoảng 5% làm việc tại Hàn Quốc, Đài Loan, Cộng hòa Liên ban Đức và các quốc gia khác. Trong giai đoạn 2022-2025 toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu đưa 5.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó năm 2022 là 1.000 lao động. Tính đến 13/10/2022, tỉnh Quảng Nam có 741 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 74,1% so với kế hoạch năm. Các địa phương có tỷ lệ người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài cao là Thăng Bình, Đại Lộc, Quế Sơn, Núi Thành, Tiên Phước và Phú Ninh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm nên chưa có giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt; số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn ít so với nguồn lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; trình độ chuyên môn, kỹ năng của một bộ phận lao động chưa đáp ứng được với yêu cầu thị trường lao động nước ngoài; một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng chưa chấp hành nghiêm các quy định liên quan, cũng như công tác đào tạo, liên kết, chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh,…

Tại hội nghị, đại diện các ngành chức năng cũng đã thống nhất đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; thực hiện đào tạo và giáo dục định hướng nghề nghiệp cho người lao động để tạo nguồn lao động có chất lượng tham gia đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Nhật Nguyệt – Nguồn Thời Đại

TIN LIÊN QUAN