Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển thị trường lao động

Ngày 25/3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển thị trường lao động.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển thị trường lao động, xuất khẩu lao động; vai trò của chính quyền trong hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo chuyên sâu, đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và gắn kết tri thức với khu vực doanh nghiệp; hình thức, cơ chế liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp… Bên cạnh đó, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường một cách hiệu quả, sáng tạo mối liên kết các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh, Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… trao đổi, phân tích thực trạng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và chia sẻ, đề xuất ý tưởng nhằm đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ phát triển đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế hiện nay.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh phát biểu tại Hội thảo. 

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Thanh nhấn mạnh sự liên kết, hợp tác giữa Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nếu có mối liên hệ tốt ‘‘3 nhà’’ sẽ tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong quá trình gắn kết, tạo đà cho giáo dục nghề nghiệp ở Cà Mau bứt phá thời gian tới. Tuy nhiên, trên thực tế có một nghịch lý trong đào tạo và tuyển dụng nhân sự là sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi các doanh nghiệp lại không tuyển dụng lao động sau đào tạo. Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên có thể do việc đào tạo trong nhà trường chưa gắn với nhu cầu xã hội. Sinh viên ra trường thiếu kỹ năng phầm mềm, thiếu khả năng vận hành thực tế hay cũng có thể doanh nghiệp chưa thật sự đồng hành cùng nhà trường đào tạo thực hành cho sinh viên. Bởi nhà trường không đủ cơ sở vật chất, điều kiện thực tế để sinh viên thực hành.

Từ thực tế đó cần có chính sách nhằm thúc đẩy mối liên kết giữa Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp trong giáo dục. Trong mối liên kết này, nhà trường được xem là chủ thể chính bởi trách nhiệm đào tạo thuộc về nhà trường. Sau nhà trường là doanh nghiệp – đối tượng tiếp nhận và hưởng lợi đầu ra của chương trình đào tạo. Nhà nước giữ vai trò điều phối, hỗ trợ, thúc đẩy mối quan hệ ‘‘3 nhà’’ vận hành tốt hơn.

Đề cập bức tranh thị trường lao động và tình hình đào tạo giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã phân tích rõ thực trạng đào tạo chưa gắn liền với sử dụng lao động thể hiện qua khoảng cách quá lớn giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ở Việt Nam. Đây là vấn đề lớn cần được quan tâm giải quyết thấu đáo, nếu không có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: Sử dụng lãng phí nguồn lực lao động, tuyển dụng; người học sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm và không thể tạo ra giá trị cho xã hội…

Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau chia sẻ, qua giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đang vừa là cơ hội nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù, nguồn thông tin thị trường lao động rất sôi động, phong phú nhưng vấn đề đặt ra là các cơ sở  giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp khai thác, sử dụng nguồn thông tin lao động đó như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thể hiện tính chủ động, linh hoạt trong việc kết nối doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra cũng cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác giáo dục nghề nghiệp, định hướng giáo dục, đào tạo nghề phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, có cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia liên kết đào tạo lao động.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh Hội thảo. 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Cà Mau chia sẻ, sứ mệnh chính của trường là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế. Nhận thức điều đó, thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động tuyên tuyền, phổ biến cho sinh viên về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhà trường nghiên cứu, khảo sát nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của sinh viên điều dưỡng chính quy và các yếu tố liên quan đến bản thân gia đình sinh viên.

Bác sĩ Hạnh thông tin thêm, từ năm 2017 đến nay, chỉ có 9 sinh viên tốt nghiệp tham gia xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài. Kết quả khảo sát cho thấy, có trên 45% sinh viên không muốn đi làm việc ở nước ngoài do gia đình không có tiền để chi phí cho chuyến đi, hơn 19% gia đình không muốn cho con em đi xuất khẩu lao động, đi làm việc xa nhà và trên 22% sinh viên không muốn đi làm việc ở nước ngoài do khó khăn trong giao tiếp ngoại ngữ bởi chương trình học, sinh viên không được đào tạo ngoại ngữ theo yêu cầu xuất khẩu lao động…

Do vậy, cơ quan chức năng cần quan tâm thúc đẩy các giải pháp truyền thông đi vào chiều sâu và thực chất. Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau tiếp tục quan tâm ban hành các nghị quyết, chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, giải quyết việc làm trong thời gian tới. Đặc biệt cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành trong xây dựng chương trình hoạt động xuất khẩu lao động…, bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh kiến nghị.

Tin, ảnh: Kim Há (TTXVN)

TIN LIÊN QUAN