Lao động cảnh giác với tội phạm mua bán người

Người lao động cần luôn cảnh giác, đề phòng người lạ, thậm chí cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng, chống mua bán người

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tập trung chủ yếu ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Cận Đông và châu Á – Thái Bình Dương. Nạn nhân chủ yếu là những người yếu thế, dễ bị tổn thương, bao gồm người di cư, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi hoặc xuất thân trong các gia đình nghèo khổ, bất hòa. Phần lớn các nạn nhân bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và một số bị ép buộc tham gia các nhóm vũ trang.

Tội phạm mua bán người thường hoạt động trong băng đảng, thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hầu hết những đối tượng này được che đậy dưới vỏ bọc là những tình nguyện viên trong các trại tị nạn, cơ sở y tế tư nhân, công ty xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân hoặc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Mục đích để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc nạn nhân lừa bán ra nước ngoài.

Ông Đào Ngọc Dung đánh giá, phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân là công tác rất phức tạp, liên quan đến nhiều lực lượng, nhiều quốc gia. Phương thức hoạt động của tội phạm rất tinh vi và xảo quyệt. Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và các tỉnh, thành phố, trước hết cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tại Quy chế này.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người. Cùng với đó là phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông tại các địa bàn trọng điểm, nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, cần lồng ghép và truyền tải thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình công tác của các ngành.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phải nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiệp vụ công tác tiếp nhận, xác minh, các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật. Cần tăng cường hợp tác quốc tế, hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của các Bộ trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phối hợp giữa các Bộ và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện công tác này.

Cảnh giác những lời dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cho nhận con nuôi, đẻ thuê, cho, hiến tạng, xuất khẩu lao động, vượt biên trái phép lao động tự do, du lịch, chữa bệnh… là những thủ đoạn mà tội phạm mua bán người thường dùng để lừa các nạn nhân.

Theo Thứ trưởng Bộ công an, những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng diễn biến khá phức tạp, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người. Nó có tác động trở ngại đến nhiều mặt của đời sống xã hội, gây tâm lý lo lắng, dư luận bất bình, bức xúc trong quần chúng nhân dân, cần phải được tiếp tục quan tâm giải quyết.

Thông qua kết quả công tác Phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người, ông Tỏ nhận định, loại tội phạm này xảy ra hầu hết ở khắp mọi nơi, bất luận đó là đô thị, nông thôn hay ở những vùng biên giáp ranh, hẻo lánh. Chúng thường núp bóng, trá hình, rất tinh vi đa dạng, có cả trực tiếp, gián tiếp qua trung gian hoặc thông qua không gian mạng. Đồng thời, câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia, quốc tế. Hình thức mua bán thường núp bóng dưới dạng cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, đẻ thuê, cho, hiến tạng, xuất khẩu lao động, di cư bất hợp pháp và kể cả hợp pháp,…

Tội phạm buôn bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số người dân, nhất là trẻ em, phụ nữ, người có hiểu biết hạn chế, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh thiếu niên có tư tưởng nhanh làm giàu, đổi đời. Loại tội phạm này lừa đảo, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao rồi bán nạn nhân sang nước ngoài để trục lợi.

Theo Bộ Công an, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động.

Người lao động cần luôn cảnh giác, đề phòng người lạ, thậm chí cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.

Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán.

Theo GDTD

TIN LIÊN QUAN