Ra nước ngoài làm việc, nên chọn thị trường nào?

Chi phí, thu nhập và điều kiện sống là 3 trong nhiều ưu tiên lựa chọn của người lao động khi quyết định ra nước ngoài làm việc.

Sau hơn 2 năm bị dịch Covid-19 cản trở, đầu năm 2022, nhiều nước đã mở cửa tiếp nhận lao động. Đây là thông tin được các doanh nghiệp dịch vụ (DNDV) và cả người lao động (NLĐ) vui mừng. Hiện nay, có rất nhiều thị trường lao động có mức thu nhập cao cho NLĐ Việt Nam lựa chọn. Mỗi thị trường sẽ có những yêu cầu, điều kiện và mức thu nhập khác nhau. Do đó, việc tìm hiểu kỹ trước khi quyết định chọn thị trường nào để đi rất quan trọng với NLĐ.

Đa số chọn gần

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), dựa trên số lượng lao động ra nước ngoài làm việc trong nhiều năm gần đây, khoảng 95% NLĐ chọn đi các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Úc… Còn lại một phần nhỏ đi một số nước châu Âu, châu Mỹ.

Trong tổng số 45.058 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong năm 2021, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận 19.531 lao động, Nhật Bản tiếp nhận 19.510 lao động. Sức hút của 2 thị trường này không chỉ mới đây mà trong nhiều năm liền. Dự báo của nhiều DNDV cho thấy nhiều khả năng năm nay 2 thị trường này tiếp tục dẫn đầu về số lượng tiếp nhận lao động từ Việt Nam khi đây là những thị trường mở cửa sớm nhất để đón lao động nước ngoài.

Với thị trường Nhật Bản, cuối năm 2020, Hiệp hội Thực tập kỹ năng quốc tế Nhật Bản chính thức công bố 77 ngành nghề được cấp phép tiếp nhận lao động nước ngoài thay vì 66 lĩnh vực như trước, mở ra nhiều cơ hội cho NLĐ Việt Nam. Trong khi đó, Bộ Y tế – Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã chính thức tăng lương tối thiểu giờ theo từng địa phương ở Nhật Bản, áp dụng cho cả lao động nước ngoài.

Đại diện một DNDV chuyên phái cử lao động sang Nhật Bản tại TP HCM cho biết hiện chi phí để một lao động sang Nhật Bản đã giảm mạnh, trung bình 80 – 100 triệu đồng trọn gói các dịch vụ cho hợp đồng lao động 3 năm. Nhiều chương trình khác có mức phí rẻ hơn hoặc bằng 0 như chương trình phái cử kỹ sư, lao động có tay nghề cao… Trong khi đó, mức lương mà NLĐ nhận được tại đất nước mặt trời mọc khá cao, dao động 28 – 38 triệu đồng/tháng.

Tuy mức lương không cao như Nhật Bản nhưng Đài Loan cũng là thị trường được nhiều NLĐ chọn. Mức lương bình quân mà NLĐ nhận được tại vùng lãnh thổ này chỉ khoảng 15 – 20 triệu đồng nhưng vì chi phí để sang làm việc khá thấp, chỉ vài chục triệu đồng, nên rất phù hợp với NLĐ khó khăn ở nông thôn. Yêu cầu đầu vào của Đài Loan đối với lao động nước ngoài cũng không cao nên thu hút được lượng lớn NLĐ chưa có tay nghề, không thành thạo tiếng… Song song đó, thủ tục xuất nhập cảnh của Đài Loan cũng đơn giản, tạo điều kiện tối đa cho lao động nước ngoài đến làm việc.javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(2011287);}else{parent.admSspPageRg.draw(2011287);}

Trong khi đó, Hàn Quốc đang đẩy mạnh việc thu hút lao động nước ngoài. Mới đây, Hàn Quốc đã nâng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình EPS năm 2022 là 59.000 người, tăng 7.000 người so với năm 2021. Hiện nước này có thêm chính sách tuyển lao động thời vụ với thời gian làm việc ngắn hạn để giải quyết bài toán thiếu nhân lực thu hoạch rau củ mùa vụ.

Thu nhập cao, chi phí lớn

Đức, Ba Lan, Romania, Hungary… cũng là những nước đang nhận được sự quan tâm của NLĐ Việt Nam bởi thu nhập từ các thị trường này khá cao. Với CHLB Đức, cơ hội để bạn trẻ Việt Nam đến đây theo hình thức du học nghề (vừa học vừa làm) đang tăng cao. Hiện Đức thu hút nhân lực ngành điều dưỡng, cơ khí ôtô, xây dựng, nhà hàng – khách sạn…

Để có thể làm việc lâu dài tại Đức, NLĐ phải được đào tạo theo chuẩn của Đức, sau khi tốt nghiệp mới chính thức đi làm. Trong quá trình học, người học sẽ không phải trả bất cứ khoản học phí nào mà còn được trả lương từ 1.000 – 1.500 euro, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt. Do thiếu hụt nhân lực phổ thông với các công việc đóng gói thực phẩm, làm mộc, xây dựng… nên Ba Lan, Romania, Hungary đẩy mạnh tìm kiếm NLĐ từ nước ngoài. Mức lương mà NLĐ được trả tại các nước này khoảng 1.000 – 2.000 USD. Chi phí để sang các nước này làm việc cũng không quá cao.

Xa hơn, ở bên kia bán cầu, Canada đang nổi lên như là một thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng. Trong vài năm trở lại đây, Canada thu hút khá nhiều lao động từ các nước đến làm việc theo những chương trình hợp tác lao động hợp pháp. Nhiều ngành nghề đang được chính phủ Canada đề xuất tuyển lao động nước ngoài như nông nghiệp, gia công cơ khí, xây dựng, điện tử, hàn xì, chế biến thực phẩm, kỹ sư chuyên ngành khác nhau. Mức thu nhập cao kèm nhiều đãi ngộ tốt nhưng thị trường Canada còn rất khắt khe nên chưa có nhiều lao động Việt Nam đến làm việc. Tại Việt Nam cũng có rất ít công ty được phép tuyển dụng lao động đến thị trường này. Theo tham khảo tại một vài DNDV, tổng chi phí để sang Canada làm việc khoảng 12.000 – 24.000 USD cho một đơn hàng có thời gian làm việc từ 2 năm rưỡi đến 6 năm rưỡi. 

Nhật Bản công bố chính sách nhập cảnh mới cho thực tập sinh

Hiệp hội Thực tập kỹ năng quốc tế Nhật Bản vừa có hướng dẫn thủ tục nhập cảnh mới cho thực tập sinh (TTS) nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản kể từ ngày 1-3. Theo đó, khi đăng ký nhập cảnh Nhật Bản, công ty tiếp nhận TTS phải đăng ký xin phép nhập cảnh trước, có trách nhiệm bảo đảm việc quản lý TTS để phòng chống dịch bệnh. Cơ quan chức năng Nhật Bản cho phép đăng ký xin phép nhập cảnh online qua hệ thống xác nhận sức khỏe người nhập cảnh.

Sau khi nhập cảnh, TTS phải xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 được cấp trong vòng 72 giờ. Về nguyên tắc, người nhập cảnh Nhật Bản sẽ phải cách ly 7 ngày nhưng ngày thứ 3 có kết quả xét nghiệm âm tính thì sẽ không cần tiếp tục cách ly. Trước khi nhập cảnh, TTS phải tải ứng dụng trên điện thoại thông minh “My SOS” của Bộ Y tế – Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản để xuất trình khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay.

Theo GIANG NAM/NLĐ

TIN LIÊN QUAN