Quảng Bình: Siết chặt môi giới ‘rởm’ lừa đảo người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài

Ngày 8/4, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Bình cho biết, vừa ban hành công văn về việc tăng cường quản lý công tác tuyển chọn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn.

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có nhiều trường hợp vì thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng, trung tâm môi giới “rởm” dụ dỗ, lừa đảo, để rồi chỉ nhận lại những lời hứa hẹn và ôm đống nợ khổng lồ chưa biết đến ngày nào trả hết được.

Theo đó, để chấm dứt tình trạng trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cùng với đó, tuyên truyền, giải thích rõ để người dân, người lao động phân biệt giữa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các cá nhân, tổ chức, đơn vị môi giới.

Đồng thời, cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 để có cơ sở pháp lý thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong phạm vi thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH cũng đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo cấp xã trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Phòng LĐTBXH trong việc giới thiệu doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến tuyển chọn, tạo nguồn lao động tại địa phương.

Anh Lê Hữu Nghị, trú tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cũng là một trong những nạn nhân của những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động.

Giới thiệu, hỗ trợ tuyển chọn lao động đối với những doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về kế hoạch tuyển chọn lao động như về số lượng, ngành nghề, điều kiện tuyển chọn, các khoản chi phí, mức lương…

Cùng với đó, chỉ đạo Phòng LĐTBXH huyện, thị xã, thành phố phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội cung cấp thông tin, tuyên truyền rộng rãi về chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ người lao động vay vốn đi làm việc ở nước theo hợp đồng để người lao động thuộc đối tượng quy định được tiếp cận và thụ hưởng chính sách.

Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn để nắm chắc tình hình, bảo đảm an ninh trật tự.

Kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm, xử lý nghiêm đối với các hành vi tư vấn, tuyển chọn lao động, lợi dụng lòng tin của người lao động để lừa đảo, trục lợi, chiếm đoạt tài sản…

Theo GDTD

TIN LIÊN QUAN