Những cạm bẫy với phụ nữ ‘xuất khẩu lao động lương cao tại UAE’

Ít người biết hết được quy mô của thế giới ngầm Dubai.

Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) là nơi mà triệu phú, tỷ phú từ trên khắp thế giới đổ đến để ăn chơi. Góc nhìn đó không sai, nhưng chưa đủ. Tiền bạc và nhu cầu đã khiến ‘thế giới ngầm’ ở UAE mở rộng với tốc độ chóng mặt. Và mỗi bước tiến của những ‘ông vua’ tội phạm UAE lại giẫm đạp trên lưng của không biết bao nhiêu số phận phụ nữ.

“Bà hoàng” buôn người

Trang Instagram của Christy Gold không khác gì những triệu phú khác sống tại Dubai. Người đàn bà 45 tuổi này cũng đăng toàn ảnh vàng bạc, trang sức đá quý, hay những bữa tiệc tổ chức trên du thuyền. Nhưng đấy chỉ là bộ mặt mà Christy Gold bày ra với người giàu. Với những nạn nhân của bà ta, Gold là con quỷ.

Một gái mại dâm ở Dubai kể lại với phóng viên Reuters: “Gold dọa rằng nếu chúng tôi không phục vụ khách hàng hay dám ra đồn cảnh sát trình báo, sẽ bị cắt cổ rồi vứt xác ra giữa sa mạc… Những cô gái không kiếm đủ tiền sẽ bị nhốt tại căn hộ của em trai Gold. Hắn ta bỏ đói họ, đánh họ, rồi còn đổ tương ớt vào bộ phận sinh dục của họ”.

Christy Gold, tên thật là Christiana Jacob Uadiale, đang bị cảnh sát Nigeria truy nã vì tội điều hành một đường dây lừa bán phụ nữ Châu Phi sang Dubai làm mại dâm. Tưởng như sau khi chạy trốn khỏi quê hương Nigeria sang UAE, Gold sẽ tìm cách sống thật kín đáo, nhưng không, mọi hoạt động “ăn chơi bay nhảy” của tú bà đều được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội.

Gold tuyên bố trước tòa án Dubai: “Tôi không phải là kẻ buôn người. Tôi cho những người phụ nữ đồng hương thuê nhà với giá rẻ để họ tạo dựng cuộc sống ở Dubai. Tôi còn chăm sóc, khuyên bảo họ như người mẹ. Còn chuyện họ làm việc gì để kiếm sống thì không do tôi quyết định”.

Quan tòa xét xử Gold tại Dubai đã ra phán quyết trắng án cho Christiana Uadiale hai tội “buôn người” và “chạy trốn lệnh truy nã nước ngoài”. Tuy nhiên sau đó hãng tin Reuters cùng Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tự mình điều tra và phỏng vấn 25 nạn nhân của Christy Gold, đa số là người Nigeria. Lời khai của họ trùng với các bằng chứng được một số tổ chức bảo vệ phụ nữ trong và ngoài Dubai cung cấp.

Thủ đoạn của Christy Gold và đồng bọn không mới: Chúng tung tin “xuất khẩu lao động lương cao tại UAE”. Không ít phụ nữ bị những lời hứa hẹn lương cao làm mờ mắt mà ký vào hợp đồng với Gold. Phải đến khi đặt chân xuống Dubai thì họ mới “ngã ngửa” ra rằng mình thực chất đã ký vào hợp đồng vay Gold 10.000-15.000 USD. Họ không còn sự lựa chọn nào ngoài việc bán thân để trả hết nợ cho tú bà.

Một nạn nhân đến từ Lagos (Nigeria) kể rằng: “Năm 2019, tôi đang làm nghề bán hàng thì gặp được người đàn bà tên là Mercy Ewere Owuzo. Bà ta bảo là mình làm nghề môi giới xuất khẩu lao động, đang tìm người sang Dubai làm nhân viên bán hàng. Khi đó tôi không hề nghi ngờ gì Mercy. Bà ta còn trả tiền làm hộ chiếu và vé máy bay cho tôi… Sau khi tôi xuống máy bay thì Mercy gọi cho tôi nói là không có chỗ thuê tôi bán hàng, mà thay vào đó tôi phải làm gái điếm để trả khoản 12.000 USD tôi nợ bà ta”.

Mercy Ewere Owuzo là một trong những “tay săn mồi” đắc lực của Christy Gold. Đối tượng này hiện đang bị cảnh sát Nigeria truy nã.

Lời khai của một nạn nhân khác: “Hằng ngày những tay bảo kê đưa chúng tôi đến một sa mạc nằm giữa hai tiểu quốc Dubai và Abu Dhabi. Mỗi cô trải quần áo của mình xuống dưới đất làm chiếu, rồi họ bán dâm cho những người đàn ông từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm”.

Một nạn nhân của Gold may mắn trốn thoát khỏi tay những kẻ tội phạm kể lại: “Tôi và hai cô gái khác được giao “địa bàn” hoạt động tại một bãi đậu xe ở Ajman. Chúng tôi quan hệ với khách hàng bên cạnh những chiếc xe đang được sửa hay sơn lại. Rồi đến gần nửa đêm thì tên ma cô sẽ đến lấy hết tiền chúng tôi kiếm được. Chúng tôi không còn gì để mua thức ăn… Sau khi tôi chạy thoát được bọn chúng, tôi sống bằng cách đi ăn xin. Tôi suýt nữa phát điên vì đói. Những lúc như thế chỉ có nghĩ về đứa con ở Nigeria thì tôi mới cố sống được. May là tôi gặp được một nữ y tá cũng người Nigeria. Chị ấy đưa tôi về chỗ những y tá Nigeria khác sống và chăm sóc cho tôi khỏe lại”.

Nhà hoạt động xã hội người Anh Angus Thomas đã dành nhiều năm cho việc giáo dục chống buôn người ở Ghana. Angus Thomas đã lập ra chiến dịch từ thiện Send Them Home nhằm gây quỹ cho các nạn nhân buôn người ở UAE để giúp họ trở về nhà. Trong vòng sáu tháng đầu tiên hoạt động, Send Them Home đã giúp 8 nạn nhân hồi hương. Angus cũng thu thập lời khai từ các nạn nhân và những nhà hoạt động xã hội khác để làm bằng chứng tố cáo Christy Gold cùng đồng bọn.

Angus Thomas nói về hoàn cảnh của những người phụ nữ bị lừa bán sang UAE: “Họ hành nghề mại dâm gần như công khai ở khu phố Al Baraha, nơi có nhiều người lao động nước ngoài sống. Bất cứ chỗ nào có bậc thang là có vài người đàn ông ngồi chờ đến lượt họ được “phục vụ”. Còn những người phụ nữ dành gần như cả ngày của họ trong những căn hộ hai phòng ngủ. Họ không “hành nghề” thì cũng ngủ luôn ở đấy. Một phòng ngủ chung cư như thế mà 18 cô gái chen chúc ngủ cùng nhau. Trong khi đó những tay ma cô sống chẳng khác gì những ông hoàng. Chúng là khách hàng quen của những chỗ ăn chơi đắt đỏ nhất và luôn đeo trên mình đủ thứ vàng bạc. Thậm chí có kẻ còn ghi trên danh thiếp rằng nghề nghiệp của mình là “dắt gái”.

Theo Angus Thomas, tuy khổ như vậy nhưng nhiều nạn nhân không dám chạy trốn vì họ đã lập lời thề juju. Juju là một tín ngưỡng địa phương ở các nước Tây Phi. Lập lời thề juju nghĩa là người thề sẽ phải cởi trần, quỳ dưới đất nhiều tiếng đồng hồ rồi uống một thứ thuốc thảo mộc gây ra ảo giác. Theo tín ngưỡng juju thì người nào phá lời thề sẽ bị nguyền rủa cho bị thương tật, chết người không chỉ mình họ mà cả mấy thế hệ của gia đình họ nữa. Những kẻ buôn người đã lợi dụng lời thề juju làm dây “trói chân” các nạn nhân. Một số nạn nhân bị buộc tham gia nghi lễ thề nguyện ở Nigeria, một số khác phải sang UAE rồi mới làm.

Một nạn nhân của Christy Gold nói với phóng viên Đài truyền hình NBC News (Mỹ): “Người môi giới cho tôi sang Dubai tự xưng là thầy cúng có khả năng nguyền cả người sống lẫn người chết. Bà ấy nói là nếu tôi phá bỏ lời nguyền juju thì hoặc là chết trong vòng một ngày, hoặc là phát điên”.

“Thứ bậc” trong thế giới mại dâm UAE được phân chia dựa trên nước da của nạn nhân. Những cô gái da trắng đến từ Châu Âu thường “phục vụ” cho các khách hàng nước ngoài lắm tiền. Ngược lại những người phụ nữ da màu đến từ Châu Phi hay Nam Á hay “làm ăn” tại các góc phố, con hẻm. Khách hàng chính của họ là các công nhân nước ngoài nghèo khó.

Theo Angus Thomas, các nhà hoạt động và luật sư tham gia điều tra mạng lưới của Christy Gold không chắc rằng bà ta là kẻ cầm đầu mạng lưới: “Chắc chắn Christy Gold và em trai Solomon của bà ta (kẻ chuyên tra tấn các nạn nhân) là người trực tiếp chỉ đạo hoạt động của mạng lưới mại dâm. Nhưng không ai rõ liệu Gold có phải là “đầu trùm” không. Tôi nghi ngờ rằng phía trên bà ta còn có những kẻ khác”.

Cuộc chiến khó khăn

Ông Fatima Waziri-Azi, Giám đốc Cơ quan quốc gia Phòng chống buôn người của chính phủ Nigeria, trả lời phỏng vấn: “Tôi đã không ít lần gọi điện, email, thậm chí là viết thư tay gửi đến nhà chức trách UAE để yêu cầu họ săn lùng những kẻ buôn người và cứu giúp các nạn nhân. Tôi đã viết đầy đủ tên tuổi, hình dáng, hoàn cảnh của các nạn nhân trong thư nhưng chưa lần nào tôi nhận được câu trả lời cả”.

Một nạn nhân từng chạy trốn bất thành khỏi bọn buôn người kể lại: “Tôi chạy đến đồn cảnh sát quận Deira (Dubai), nhưng họ lại đuổi tôi ra. Tôi cầu xin họ đủ kiểu, rồi còn khóc và nói rằng họ tống tôi vào trại tạm giam cũng được, nhưng họ vẫn đóng sầm cánh cửa đồn cảnh sát trước mặt tôi”.

Người phụ nữ này sau đó liên lạc được với Nyondo Rozet, một nhà sáng tạo nội dung trên YouTube gốc Uganda nhưng đang sống tại UAE. Rozet đăng lên YouTube đoạn video kể về hoàn cảnh của nạn nhân và kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ. Họ may mắn đã thu thập được đủ tiền ủng hộ để mua vé máy bay cho nạn nhân trở về quê hương Ghana.

Cô Nyondo Rozet kể về những gì xảy ra sau đó: “Một số kẻ lạ mặt đòi trả tiền cho tôi để tôi gỡ đoạn video kêu gọi ủng hộ xuống. Tôi từ chối, thế là họ đe dọa sẽ giết hại cả gia đình tôi. Tôi đã đem vụ này báo cho cảnh sát nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời”.

Về phần Christy Gold, bà ta đã trốn khỏi nơi ở tại Dubai. Lần cuối cùng Christy Gold đăng ảnh lên mạng xã hội là vào tháng 3 vừa qua. Hiện tòa án Nigeria đang phải xét xử vắng mặt Christy Gold và các đồng bọn. Riêng Gold và Mercy Owuzo còn đang “nợ” 5 năm tù giam sau một phiên tòa khác vào tháng 3 năm ngoái. Nhà chức trách Nigeria mới đây đã tăng mức thưởng cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ được Christy Gold và các đồng bọn.

Lê Công Vũ

Theo – Nguồn ANTG

TIN LIÊN QUAN