Nguồn tuyển lao động đi nước ngoài gặp khó khăn

Cần chú trọng đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa

Thông tin của nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho biết, hiện nay việc tuyển nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung, đặc biệt là lao động có trình độ hết sức khó khăn.

Đào tạo lao động đi nước ngoài: Còn mang tính hình thức

Đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu lao động mới tập trung vào hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế. Mục đích để giúp họ có điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài nâng cao thu nhập, hỗ trợ gia đình cải thiện đời sống.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn những tồn tại và hạn chế. Nguyên nhân là tâm lý người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài nhanh, không quan tâm đến việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề. Đồng thời, chưa nhận thức đầy đủ về vị thế của bản thân.

Do đó lao động của ta còn yếu cả về trình độ chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ, chưa phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế. Cùng với đó là chưa phù hợp cả về ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong làm việc công nghiệp, sinh hoạt tại các nước phát triển.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ chưa chú trọng đến công tác chuẩn bị và tạo nguồn nhân lực có chất lượng đưa đi làm việc ở nước ngoài một cách bài bản. Thường chỉ tuyển chọn lao động nhằm đáp ứng từng đơn hàng cụ thể.

Việc tổ chức đào tạo người lao động chỉ mang tính hình thức, không thực chất. Thậm chí thông qua các tổ chức trung gian, cò mồi tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hơn nữa, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có những quy định về việc nâng cao chất lượng nguồn lao động nhưng mới chỉ quy định bắt buộc giáo dục định hướng. Những quy định về chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề mang tính chủ trương, khuyến khích chưa có quy định chi tiết, bắt buộc. Vì thế, gây khó khăn trong việc thực hiện nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức kinh tế trong việc triển khai các chương trình, dự án đào tạo nghề – giải quyết việc làm cho các đối tượng. Đó là bộ đội xuất ngũ, công an làm nghĩa vụ, thanh niên tình nguyện, lao động nông nghiệp… gắn với tạo nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Chú trọng gắn kết đào tạo với tuyển dụng

Theo Bộ LĐ-TB&XH, chủ trương đưa lao động qua đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề đi làm việc ở nước ngoài của nước ta hiện nay là phù hợp với xu hướng chung của thị trường lao động và người sử dụng lao động. Đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thông tin của nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho biết, hiện nay việc tuyển nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung, đặc biệt là lao động có trình độ hết sức khó khăn. Doanh nghiệp phải chi phí rất lớn cho các đầu mối để có nguồn lao động giới thiệu cho đối tác nước ngoài tuyển chọn.

Trong khi đó việc gắn kết với các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc giới thiệu, tuyển chọn người lao động vẫn còn những hạn chế nhất định. Để có nguồn lao động chất lượng và qua đào tạo thì việc gắn kết giữa các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ là cần thiết và sẽ đem lại lợi ích cho các bên tham gia.

Cụ thể là đối với các doanh nghiệp dịch vụ sẽ chủ động được nguồn lao động cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước. Đồng thời, tăng tính cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp, giảm được một phần chi phí tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tìm được đầu ra cho học sinh, sinh viên, làm phong phú và đa dạng chương trình, nội dung đào tạo theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó là thu hút thêm được nhiều học sinh, sinh viên đến học tại trường. Đồng thời có thêm nguồn lực để nâng cấp được cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo.

Đối với người lao động qua đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường lao động, công việc cũng như mức lương cao. Đồng thời có khả năng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng để phát triển sự nghiệp sau khi về nước.

Vấn đề nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế mà còn góp phần đảm bảo được vị thế của người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó nâng cao trình độ của người lao động để về làm việc trong nước.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được bố trí làm công việc phù hợp với khả năng, có thu nhập cao và ổn định. Ít bị chấm dứt hợp đồng lao động khi người sử dụng gặp khó khăn. Bên cạnh đó ý thức chấp hành kỷ luật lao động và pháp luật tốt hơn.

Năm 2022, thị trường lao động trong nước đã có nhiều khởi sắc với những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh. Số lượng lao động có việc làm chính thức tăng lên. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện, đời sống an sinh xã hội dần được bảo đảm.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro do thiếu hụt lao động cục bộ. Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao. Lực lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng vẫn còn thấp… Vì vậy, cần tăng cường gắn kết đào tạo với tuyển dụng lao động để nâng cao kỹ năng nghề không chỉ làm việc trong nước mà còn đáp ứng thị trường lao động quốc tế.

Ngọc Trang

Theo Ngọc Trang – Nguồn GD&TĐ

TIN LIÊN QUAN