Năm 2022 được coi là một điểm sáng trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau một thời gian dài ‘đóng băng’ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây cũng là năm đầu tiên Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được áp dụng sau khi Quốc hội thông qua vào tháng 11/2020. Phóng viên Báo Lao động và Xã hội đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)về nội dung này.
*Xin ông cho biết kết quả về công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022?
– Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tính đến tháng 11/2022 là trên 122.000 người, trong đó phần lớn đi Nhật Bản trên 60.000 người, Đài Loan trên 50.000 và Hàn Quốc khoảng 8.000 người. Như vậy, số đưa đi trong 11 tháng đã vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 (kế hoạch là 90.000 lao động).
Có thể nói, sự thay đổi về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của nhiều quốc gia nhằm thích ứng, phục hồi phát triển kinh tế đã góp phần giúp công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2022 về đích sớm. Tuy nhiên, để có được kết quả đó trước hết là do những giải pháp quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước. Ngay từ đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam và trên toàn thế giới, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai ngay các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, như chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng của nước tiếp nhận để nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, các chính sách, quy định đối phó với tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại các nước, các thủ tục trong việc tiếp nhận và nhập cảnh lao động nước ngoài… trên cơ sở đó phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch của nước sở tại.
Bên cạnh đó, tiếp tục trao đổi và đàm phán về Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam – Israel, dự thảo Biên bản thỏa thuận (MOU) về lao động nông nghiệp với Australia, xây dựng Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan, Bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước khu vực châu Âu: Đức, Romania, Czech, Bulgaria và ký kết “Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Malaysia”.
Kết quả nói trên là thành quả của cả quá trình vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp dịch vụ đã giúp cho công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phục hồi nhanh đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.
*Chất lượng nguồn nhân lực vẫn luôn là vấn đề được đặt ra ở cả trong và ngoài nước. Vậy đâu là điểm yếu của người lao động Việt Nam hiện nay?
– Cửa ải đầu tiên với lao động Việt Nam chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là vấn đề đã được nêu ra nhiều trong thời gian qua, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giỏi tiếng bản địa thì lao động có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, tránh được nhiều nguy cơ cũng như va chạm với quản lý. Cơ hội việc làm sau khi về nước cũng luôn rộng mở với những người biết ngoại ngữ. Bên cạnh đó ý thức tổ chức kỷ luật tốt sẽ tạo uy tín, hình ảnh của người lao động Việt Nam ở các nước tiếp nhận lao động.
Nếu ngoại ngữ tốt và có ý thức kỷ luật thì cơ hội cho người lao động sẽ rất nhiều. Tôi từng gặp lao động không biết gì về vận hành máy móc, nhưng vốn ngoại ngữ khá nên chỉ vài tháng sang Nhật Bản đã vận hành thành thạo thiết bị. Hết 5 năm được chuyển visa lao động bậc cao và đưa cả vợ con sang nơi làm việc.
*Theo ông, những giải pháp nào để nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới?
– Năm nay là năm đầu tiên Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn Luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành có hiệu lực và được triển khai thực hiện.
Mục tiêu của Việt Nam là không chỉ nâng cao số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động. Đồng thời, hỗ trợ người lao động diện nghèo, yếu thế đi làm việc ở nước ngoài để cải thiện hoàn cảnh kinh tế của họ. Trong các nhiệm vụ kể trên, việc nâng cao chất lượng lao động được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người lao động đi xuất khẩu mà còn tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam.
Điều đó đòi hỏi chúng ta cần có chính sách cụ thể về việc nâng cao chất lượng nguồn lao động và quy định trách nhiệm của các cấp, ngành; bố trí nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các hỗ trợ cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường lao động ngoài nước, hợp tác với đối tác nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động về những lợi ích có trình độ khi đi làm việc ở nước ngoài để họ tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ. Cùng với đó là sự quan tâm và vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật…
*Cụ thể, chúng ta sẽ tập trung nâng cao chất lượng lao động ở những ngành nghề nào?
– Tùy theo từng thị trường để định hướng học tập ngành nghề gì hay học ngoại ngữ ở mức độ, trình độ ra sao. Ví dụ, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc không đòi hỏi người lao động trình độ kỹ năng nghề nhiều mà cần khả năng ngoại ngữ tiếng Nhật, tiếng Hàn.Với khả năng ngoại ngữ tốt, người lao động có thể nắm bắt để thực hiện tốt công việc được giao và từ đó có thể nâng cao trình độ kỹ năng làm việc.
Thị trường Đài Loan, châu Âu và Trung Đông cần người lao động được đào tạo ở những ngành, nghề và công việc làm trong nhà máy, công xưởng, công trình xây dựng.
Ngoài ra, một số thị trường lao động ngoài nước đang có nhu cầu cao về người lao động có trình độ chuyên môn để làm việc trong lĩnh vực dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, tài chính, du lịch, công nghệ thông tin… nhưng đòi hỏi người lao động phải đạt được trình độ ngoại ngữ phù hợp.
*Để duy trì đà phục hồi và phát triển công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023, xin ông cho biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì?
– Hiện, Việt Nam cũng như hầu hết các nước đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch Covid-19 nhằm phục hồi kinh tế, thông qua việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Do đó, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng. Đây là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường nước ngoài.
Như tôi đã nói, năm 2023, song song với việc mở thêm các thị trường mới thì việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được chú trọng. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động (về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật) đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt các thị trường mới mở cửa trở lại dễ phát sinh lừa đảo. Để lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
*Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thái An