Lao động đang làm việc tại Đài Loan được gia hạn giấy phép làm việc

Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) không chỉ bắt đầu “mở cửa” tiếp nhận lại lao động Việt Nam mà cả lao động đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng được phép gia hạn thêm giấy phép làm việc.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Cơ quan Lao động Đài Loan vừa thông báo về quy định mới liên quan đến lao động nước ngoài chuyển chủ hoặc chuyển công việc. Quy định này sẽ gia hạn giấy phép làm việc cho lao động nước ngoài làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) nhằm đối phó với tình hình khan hiếm nhân lực do các biện pháp hạn chế đi lại trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Theo đó, từ nay cho đến ngày 30/6/2022, lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) nếu có giấy phép làm việc đã hết hiệu lực và không do lỗi của người lao động thì có thể tự mình hoặc thông qua chủ sử dụng cũ đăng ký chuyển chủ hoặc chuyển công việc để gia hạn giấy phép làm việc.

Các trường hợp được gia hạn giấy phép làm việc gồm: Thời hạn của giấy phép làm việc đã hết nhưng chủ sử dụng cũ chưa làm thủ tục gia hạn; thời hạn chuyển chủ đã hết nhưng chưa được chủ mới tiếp nhận; chuyển chủ theo quy định tại khoản 1 Điều 59 của Luật dịch vụ việc làm (chủ sử dụng hoặc người được chăm sóc chết hoặc di cư; thuyền bè bị thu giữ, bị chìm hoặc đang sửa chữa không thể hoạt động; chủ sử dụng ngừng sản xuất hoặc không trả lương, thu nhập theo hợp đồng lao động dẫn đến phải chấm dứt Hợp đồng lao động; lý do khác không thuộc lỗi của người lao động).

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thông báo các doanh nghiệp để thông tin tới người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) thuộc các trường hợp nêu trên để kịp thời triển khai các thủ tục tiếp theo.

Các doanh nghiệp có trách nhiệm liên hệ với đối tác Đài Loan (Trung Quốc) để phối hợp hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị các doanh nghiệp kịp thời phản ánh tới Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) để phối hợp xử lý.

[Xuất khẩu lao động: “Cánh cửa” bị đóng kín bởi COVID-19 đã dần mở]

Không chỉ cho phép lao động đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) được gia hạn giấy phép, Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Bắc cho biết mới đây Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã có thông báo về việc mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài trong tháng 11/2021. Dự kiến sẽ tạm thời tiếp nhận cho đến tháng 12/2021 phụ thuộc vào việc các nước cung ứng lao động đáp ứng các điều kiện phòng dịch mà Đài Loan (Trung Quốc) đề nghị.

Về số lượng nhập cảnh, Đài Loan (Trung Quốc) cũng dự kiến sẽ áp dụng hệ thống thang điểm đánh giá mức độ ưu tiên lao động nước ngoài nhập cảnh dựa trên tình trạng tiêm vaccine của người lao động, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia cung ứng lao động, và điều kiện phòng dịch của người sử dụng lao động Đài Loan (Trung Quốc) sau khi người lao động nhập cảnh. Để chuẩn bị tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) đã dự thảo mẫu kế hoạch phòng dịch để tham vấn các quốc gia cung ứng lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng lưu ý các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyển chọn và đào tạo người lao đọng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Khi tổ chức xuất cảnh cho người lao động, doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các quy định, quy chế về phòng, chống dịch và quán triệt cho người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động./.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 9 tháng năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 42.818 lao động, đạt 47,57% kế hoạch năm 2021 và bằng 99,95% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó riêng thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 19.350 lao động. Đài Loan (Trung Quốc) cũng là một trong số những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam, bên cạnh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo Hồng Kiều (Vietnam+)

TIN LIÊN QUAN