Doanh nghiệp XKLĐ nỗ lực vượt khó trong “bão” dịch COVID-19

Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở cả trong nước và thế giới, một số thị trường truyền thống dừng tiếp nhận lao động Việt Nam nói chung, lao động Thanh Hóa nói riêng. Trước tình hình đó, nhiều công ty, doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã nỗ lực vượt khó, tìm cách vượt “bão”.

Trước đây, mỗi năm Công ty CP Hợp tác phát triển Bảo Tín – Chi nhánh Thanh Hóa đưa được khoảng 800 đến 1.100 lao động sang Nhật Bản làm việc và du học. Dịch COVID-19 bùng phát, công tác tuyên truyền XKLĐ bị tạm dừng để tập trung cho phòng, chống dịch. Mặt khác, nhiều tỉnh, thành bị giãn cách xã hội nên lao động không tiếp cận được các chương trình của công ty. Do đó, số lượng lao động đăng ký tham gia giảm tới 60%.

Trong giai đoạn khó khăn này, công ty đã sử dụng mạng xã hội tuyên truyền, chạy online quảng cáo, tư vấn qua điện thoại; thông qua các kênh hướng nghiệp của nhà trường lồng ghép các chủ trương, chính sách hỗ trợ của công ty đến với học sinh, người lao động; tổ chức thi tuyển đơn hàng qua online, người lao động có thể ngồi ở nhà để phỏng vấn trực tiếp với các công ty, xí nghiệp bên Nhật Bản. Bên cạnh đó, công ty liên kết với các ngân hàng vay vốn cho người lao động tham gia XKLĐ theo quy định; giảm chi phí đơn hàng cho lao động, hỗ trợ chỗ ăn ở bảo đảm hợp vệ sinh, thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” đối với lao động nếu ở lại trung tâm học tập… Vì vậy, trong năm 2021 tuy chưa xuất cảnh được nhưng công ty có hơn 500 lao động đã hoàn thiện hồ sơ đang đợi thị trường mở cửa trở lại. Hiện tại công ty vẫn tiếp tục tuyển dụng theo đơn đặt hàng của đối tác Nhật Bản và đào tạo online cho những người trúng tuyển, những người đã hoàn thiện hồ sơ nhằm đảm bảo kỹ năng sống, trình độ tiếng giao tiếp tối thiểu theo quy định của đối tác và cơ quan chủ quản.

Cũng hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ, ông Lê Đình Toàn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thuận An DMC cho biết: Thời điểm khó khăn này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để công ty chuẩn bị nguồn nhân lực cho các thị trường, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Vì vậy chúng tôi tăng cường công tác tuyển dụng, đào tạo, tạo nguồn để sẵn sàng đưa lao động xuất cảnh khi có cơ hội.

Với Công ty XKLĐ Thiên Ân – TAMAX Thanh Hóa đã đưa ra các phương án để thực hiện như: tiếp tục thông báo tuyển dụng, chú trọng công tác đào tạo, định hướng nghề và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động. Đồng thời vận dụng tốt các chính sách của Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ vay vốn cho người lao động về tuyển dụng, đào tạo, đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp với các địa phương tuyên truyền, tuyển dụng lao động; linh hoạt trong việc tìm kiếm đơn hàng, nhất là trong thời điểm thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chưa tiếp nhận lao động ngoài nước thì thị trường châu Âu – Rumania đang được công ty lựa chọn. Những đơn hàng được xuất cảnh, công ty chủ động đàm phán với chủ sử dụng lao động nước ngoài tiêm vắc-xin COVID-19, đảm bảo an toàn cho người lao động. Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty XKLĐ Thiên Ân, cho biết hiện 98% lao động của công ty đã xuất cảnh được tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 2 và người lao động có công việc ổn định.

Dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, lĩnh vực XKLĐ cũng không ngoại lệ. Trong năm 2020, ngành lao động – thương binh và xã hội đặt mục tiêu đưa trên 10.000 người đi XKLĐ, song do dịch COVID-19 nên chỉ đưa được 5.120 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 51,2% kế hoạch năm và bằng 49,7% so cùng kỳ năm 2019. Năm 2021 tỉnh giảm mục tiêu xuống 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để đạt mục tiêu trên, ngành lao động – thương binh và xã hội đã vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực về các địa phương tuyển dụng lao động và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động bị mất việc làm, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đảm bảo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm cho lao động, trong đó có XKLĐ. Sự nỗ lực cố gắng vượt “bão” dịch của toàn ngành lao động cùng các công ty, doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi XKLĐ, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã đưa được 3.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55% mục tiêu kế hoạch, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm rất khó để dự báo bởi còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của các nước tiếp nhận lao động. Vì vậy, việc thích ứng và linh hoạt chính là 2 tiêu chí đang được các doanh nghiệp XKLĐ áp dụng, nhất là trong tuyển dụng, đào tạo, hỗ trợ người lao động và tìm kiếm đơn hàng tại các thị trường đang mở cửa đối với lao động Việt Nam.

Theo Vân Sơn – Báo Thanh Hóa

TIN LIÊN QUAN