Dịch COVID-19 ập đến khiến không ít lao động vỡ kế hoạch đi làm việc ở nước ngoài. Thậm chí, nhiều lao động chỉ cách ước mơ xuất ngoại một chuyến bay nhưng phải chờ đợi mấy năm trời. Áp lực về cơm áo, gạo tiền và số lãi vay đè nặng trong giấc ngủ của người lao động từng ngày.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (quê Yên Thành, Nghệ An) học xong tiếng Nhật từ tháng 7/2019, theo chương trình thực tập sinh ngành chế biến thực phẩm. Dự kiến sau khi học xong trong vòng 6 tháng, anh Hiếu sẽ được công ty cho xuất cảnh trong năm 2020. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ập đến đã làm thay đổi mọi kế hoạch của anh.
“Phải mất hơn 1 năm sau đó, công ty thông báo mới xin được visa cho tôi. Nhưng mỗi lần có lịch bay, phía Nhật lại bùng dịch mạnh nên phải dừng lại. Đến nay, tôi chờ đợi đã gần 32 tháng nhưng vẫn chưa thể sang Nhật làm việc trong khi visa chỉ còn một nửa thời gian”, anh Hiếu chia sẻ.
Để có tiền đi làm việc ở nước ngoài, anh Hiếu đã phải vay ngân hàng số tiền gần 200 triệu đồng. Công việc bấp bênh, áp lực về tiền lãi khiến anh chưa ngày nào ngủ yên. “Đến giờ tôi vẫn không nghĩ dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lâu và khó khăn đến như vậy. Giờ chỉ mong phía Nhật sớm mở cửa trở lại để có thể đi làm kiếm tiền trả nợ”, anh Hiếu nói.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Trần Văn Tiến (ở Hương Khê, Hà Tĩnh) đã phải chờ đợi hơn 1,5 năm nhưng vẫn chưa thể thực hiện giấc mơ xuất ngoại. Để có tiền trang trải trong những ngày chờ đợi, ban đầu anh Tiến chạy xe ôm tại Hà Nội. Chỉ được ít tháng do dịch bệnh căng thẳng, anh lại phải về quê làm phụ hồ.
“Quãng thời gian chờ đợi thực sự mệt mỏi. Lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là nông dân, làm ngày nào mới có tiền ngày đó nên thời gian qua cuộc sống, công việc của chúng tôi hoàn toàn đảo lộn. Giờ bỏ cuộc đồng nghĩa bao công sức, chi phí đổ xuống sông xuống biển, nên chỉ còn cách cố gắng chờ đợi”, anh Tiến nói.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, lãnh đạo một DN xuất khẩu lao động cho biết, trong hai năm qua, số lượng lao động học xong, không thể xuất cảnh rất lớn, dẫn đến không ít lao động phải bỏ dở giữa chừng. Điều này không chỉ khiến lao động tốn kém về thời gian, chi phí và công sức, mà đối với DN nguồn thu và tiến độ hợp đồng với đối tác cũng bị ảnh hưởng. DN kỳ vọng sắp tới các thị trường sẽ mở cửa tiếp nhận lao động, để hoạt động của DN sớm trở lại bình thường.