Cách nào ngăn lao động bỏ trốn?

Để chương trình EPS được bền vững, hạn chế được tình trạng bỏ trốn cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp, ban ngành hữu quan của cả Việt Nam và Hàn Quốc.

Nếu năm 2017 có 49 huyện, thị xã bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc do tỉ lệ lao động bỏ trốn cao thì năm 2021 chỉ còn 10 huyện, thị xã nằm trong danh sách này. Số lượng lao động chấp hành về nước đúng hạn đã tốt hơn nhưng với việc 10 địa phương bị dừng tuyển chọn người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS) đã ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động (NLĐ) có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc.

Hãy nghĩ cho người ở quê

Anh Phan Minh Tâm có hộ khẩu thường trú tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình – địa phương là 1 trong 10 quận, huyện, thị xã bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS. Anh Tâm cho biết anh đã học xong tiếng Hàn, đang tìm cơ hội tham gia chương trình EPS ngành chế tạo máy khi địa phương được đưa ra khỏi danh sách tạm dừng. Mới đây, khi nghe địa phương mình nằm trong danh sách bị dừng tuyển XKLĐ, anh Tâm rất buồn.

Cách nào ngăn lao động bỏ trốn? - Ảnh 1.
Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Hàn Quốc vào đầu tháng 11-2021

Anh Tâm cho biết nhờ đi Hàn Quốc mà quê hương “thay da đổi thịt” trong gần 20 năm nay. Cuộc sống của nhiều gia đình khá giả hơn, con em được học hành đến nơi đến chốn, nhiều người đã có vốn kinh doanh, mở rộng làm ăn. Tất cả là nhờ đi XKLĐ. Việc địa phương có số lao động tại Hàn Quốc bỏ trốn còn cao đã ảnh hưởng đến rất nhiều lao động có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc để thoát nghèo như anh Tâm. “Đáng lẽ họ nên nghĩ cho người ở nhà, ai cũng chỉ có một thời gian đi làm lo cho cuộc sống thôi. Giờ chờ nữa thì biết chừng nào mới được đi?” – anh Tâm bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đối với các địa phương mà phía Hàn Quốc cấm NLĐ nhập cảnh do có tỉ lệ bỏ trốn còn cao, cục đang phối hợp với địa phương để tiếp tục tuyên truyền, vận động NLĐ về nước đúng hạn, tạo điều kiện cho NLĐ ở quê hương được sang Hàn Quốc làm việc. “Trường hợp NLĐ bỏ trốn, chúng tôi vận động họ về nước để giảm tỉ lệ cư trú bất hợp pháp tại địa phương. Bên cạnh đó, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng ra sức hỗ trợ NLĐ khi họ gặp khó khăn và tìm cách tháo gỡ; tuyên truyền những chương trình khi NLĐ thực hiện đúng hợp đồng, chấp hành tốt thì sẽ được tuyển lại” – ông Liêm nói.

Giáo dục định hướng cho người lao động

Mới đây, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức cuộc hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và hỗ trợ lao động trong lĩnh vực ngư nghiệp”. Tại hội thảo, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra tình trạng lao động ngư nghiệp bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do chênh lệnh thu nhập giữa lao động hợp đồng và lao động bất hợp pháp.

Công ty C&P (Hàn Quốc) – doanh nghiệp (DN) tuyển dụng nhiều thuyền viên Việt Nam – cho rằng việc phối hợp với các DN Việt Nam trong khâu tuyển chọn lao động là ưu tiên hàng đầu của công ty. Tuy nhiên, việc các thuyền viên chưa được định hướng đúng đắn về đặc thù của từng ngành nghề hoạt động trên biển nên đã chọn không đúng công việc phù hợp, dẫn đến phát sinh bất mãn sau khi đi làm việc thực tế. Do đó, trong quá trình tuyển chọn lao động, phía Việt Nam cần sàng lọc, tư vấn, định hướng nghề nghiệp thật kỹ cho NLĐ.

Để tránh tình trạng lao động bỏ trốn ra ngoài làm bất hợp pháp hoặc bất mãn trong quá trình làm việc, Công ty C&P đề nghị Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc cần có kiến nghị để đưa ra biện pháp xử phạt nặng các chủ tàu Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp khi có tố cáo hoặc bị phát hiện. Việc các chủ tàu Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp, thậm chí trả lương cao hơn để thu hút lao động khiến tỉ lệ thuyền viên bỏ trốn gia tăng.

Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc đề nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng như các DN cung ứng lao động tăng cường giáo dục định hướng cho NLĐ để giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn. Việc Chính phủ Hàn Quốc quy định tỉ lệ lao động bỏ trốn là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá phân bổ chỉ tiêu cấp phép lao động hằng năm đặt ra vấn đề quản lý đối với các cơ quan chức năng và DN cung ứng lao động cho Hàn Quốc. Bà Tạ Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, nói ngay từ khi NLĐ đăng ký tham gia chương trình EPS, các DN phải giáo dục định hướng để tránh tình trạng lao động do mình phái cử bỏ trốn, gây ảnh hưởng đến quan hệ lao động. 

Người lao động phải ý thức được rủi ro khi lao động “chui”

Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, việc giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan hữu quan 2 nước và cả NLĐ. Hàn Quốc cần xử phạt thật nặng các DN, các chủ thuyền sử dụng lao động bất hợp pháp. Phía các DN dịch vụ XKLĐ đưa lao động sang Hàn Quốc phải tuyển chọn kỹ lưỡng, giáo dục định hướng rõ ràng, minh bạch để NLĐ chọn được công việc phù hợp. NLĐ cũng phải ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra khi bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Theo Giang Nam/NLĐ

TIN LIÊN QUAN